kimluc

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói về Cam Ranh trước khi sang Nga

“Việt Nam dự định thành lập một trung tâm dịch vụ quốc tế hoạt động độc lập tại Cam Ranh” – Đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời ITAR-TASS trước thềm chuyến thăm chính thức Liên Bang Nga vào ngày 6/8.


Vịnh Cam Ranh

Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Bulgari và Vương quốc Hà Lan, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ thăm chính thức Liên bang Nga, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Bulgari và Vương quốc Hà Lan từ ngày 6 đến 21/8.

Chuyến thăm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước đoàn đến thăm (với Nga là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện); thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam với nhân dân và quân đội các nước đoàn đến thăm, phù hợp với quan hệ chung giữa Việt Nam và các nước, góp phần tăng cường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại mỗi khu vực và trên thế giới.

Cam Ranh sẽ không được sử dụng như một căn cứ cho bất kỳ quân đội nước ngoài nào.

Trước đó, trả lời hãng ITAR-TASS của Nga, Bộ trưởng Thanh nói: “Việt Nam dự định thành lập một trung tâm dịch vụ quốc tế hoạt động độc lập tại Cam Ranh”.

Trung tâm này, theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, sẵn sàng tiếp nhận các tàu thương mại và tàu hải quân của tất cả các nước trên thế giới, họ có thể đi đến Việt Nam để sửa chữa, bảo trì. Trung tâm này sẽ được điều hành hoạt động trên cơ sở thương mại, dự kiến tại đây cũng ​​sẽ cung cấp các dịch vụ giải trí, chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho các nhân viên hải quân nước ngoài.

Trước đây, Hải quân Nga cũng từng bày tỏ muốn tái triển khai lực lượng ở căn cứ Cam Ranh, nơi mà trước đây họ đã sử dụng Cam Ranh trong 23 năm.

Hồi giữa tháng 3/2013, Tư lệnh Hải quân Victor Chirkov tỏ ý muốn phục hồi căn cứ hải quân cũ ở Việt Nam. Ông Chirkov nói rằng, trong trường hợp cần thiết Bộ tư lệnh Hải quân Nga sẽ đề nghị ban lãnh đạo lập lực lượng hải quân hoạt động trên cơ sở thường trực ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cuối năm 1978, đại diện Hải quân Liên Xô và phía Việt Nam đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh.

Ngày 2/5/1979, Chính phủ Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng quân cảng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương trong 25 năm (Trạm cung ứng mang phiên hiệu 922).

Theo quy định trong hiệp định, tại Cam Ranh cùng lúc có thể tập trung từ 8-10 tàu chiến đấu mặt nước, 4-8 tàu ngầm có khu neo nổi và tối đa 6 tàu hộ tống. Tại sân bay có thể tiếp nhận từ 14-16 chiến đấu cơ, 6-9 trinh sát cơ và 2-3 vận tải cơ. Tùy theo tình hình cụ thể, số lượng máy bay và tàu chiến có thể tăng lên theo thỏa thuận giữa hai nước.

Năm 2002, phía Nga đã thống nhất với Việt Nam về việc bàn giao căn cứ Cam Ranh trước thời hạn 2 năm. Ngày 4/5/2002, những người lính Nga cuối cùng lên tàu rời khỏi Cam Ranh sau 23 năm đóng tại nơi này.
(QDND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét