kimluc

Trung Quốc chuẩn bị lực lượng hùng hậu khai thác dầu khí Biển Đông

Trung Quốc đang tăng cường việc mở rộng hạm đội tàu khai thác dầu xa bờ ở Biển Đông vì mục đích chính trị và an ninh năng lượng; vụ HD-981 là “chim báo bão”.

Giàn khoan 30.000 tấn đang được xây dựng, đi vào hoạt động năm 2016, để phục vụ cho việc Trung Quốc khai thác dầu khí tại Biển Đông

Theo phóng viên báo Wall Street Journal tại Bắc Kinh, các doanh nghiệp Trung Quốc từ lớn đến nhỏ như Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hay những nhà phân phối dịch vụ nhỏ lẻ ở Trung Quốc, đều đã đặt hàng số lượng tàu và giàn khoan trong nửa đầu năm nay nhiều hơn tất cả các năm trước tính từ 2010, xét theo số liệu từ HIS Maritime. Thêm vào đó Trung Quốc đã đặt hàng một giàn khoan nước sâu nặng 30.000 tấn vào năm ngoái, và dự kiến sẽ cho triển khai thêm 2 giàn khoan nữa vào những năm tới. Hai giàn khoan mới này dự kiến kích thước bằng giàn khoan Hải Dương-981.

Động lực chính trong việc thúc đẩy xây dựng hạm đội tàu là nhu cầu năng lượng cực lớn và nhiệm vụ tìm kiếm các mỏ mới thay thế cho những khu vực khai thác cũ với sản lượng giảm dần của Trung Quốc. Đó là mục tiêu đè nặng lên Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc - nhà khai thác dầu lớn nhất ở nước ngoài. Việc phát triển đội tàu sẽ làm cho Trung Quốc có khả năng thăm dò và tuyên bố chủ quyền với toàn khu vực Biển Đông, nơi mà hàng triệu cây số vuông đầy tiềm năng khoáng sản dưới đáy biển sâu đang bị Trung Quốc tranh chấp.

Vì mục đích chính trị và an ninh năng lượng

Theo ông Philip Andrews-Speed, chuyên viên an ninh năng lượng tại Viện nghiên cứu Năng Lượng (ESI) của Singapore, sự mở rộng đội tàu là một phần của chính sách quốc gia của Trung Quốc bao gồm hai mục tiêu đan xen lẫn nhau: mục đích chính trị và an ninh năng lượng, “Tôi chắc rằng họ sẽ sử dụng những giàn khoan này như một tuyên bố chính trị cũng như dùng để khai thác”. Kế hoạch của Trung Quốc bắt đầu lộ ra từ khi giàn khoan Hải Dương 981 được di chuyển đến vùng biển tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Theo nhà phân tích Gary Li tại IHS Maritime, giàn khoan này được bao quanh bởi hàng chục tàu hải giám, tàu đánh cá, tàu kéo và các tàu hỗ trợ khác của Trung Quốc.

Khoan dầu dưới đáy biển sâu đang là xu hướng toàn cầu khi nguồn dầu dự trữ tại những mỏ dễ khai thác đang dần cạn kiệt. Nhiều công ty năng lượng đã buộc phải dò tìm tại nhiều khu vực xa xôi, thậm chí tại các vùng đất tranh chấp. Việc phát hiện ra nguồn dự trữ dầu mỏ lớn dưới đáy biển sâu sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống an ninh năng lượng của Trung Quốc, giống như tác động của sự bùng nổ khí đá phiến đối với lĩnh vực năng lượng của nước Mỹ. Dẫn đầu cuộc khai thác này là CNOOC và Công ty Dịch vụ dầu mỏ Trung Quốc (COSL). Sản lượng dầu khí nội địa của CNOOC hầu như không thay đổi trong 4 năm vừa qua, và công ty này cho biết là sẽ đầu tư thêm 30 tỉ USD vào các dự án khai thác dầu khí nước sâu ngoài khơi trong 20 năm tới tính từ 2009. Bên phía COSL sẽ cung cấp thông tin về hạm đội tàu và lịch trình khi công ty này gửi báo cáo thu nhập tháng này. COSL là công ty lớn nhất về khai thác dầu ngoài khơi của chính phủ Trung Quốc với nhiều năm kinh nghiệm khai thác dầu ở Bắc Hải, Vịnh Mexico và Indonesia.

Theo thông tin cung cấp bởi HIS Maritime, Trung Quốc đã gửi nhiều tàu và giàn khoan dầu tính từ nửa đầu năm nay với sức nặng lên tới 126.300 tấn, bao gồm nhiều tàu các loại phục vụ cho khai thác dầu ngoài khơi trên quy mô lớn như các loại giàn khoan nước nông đến sâu, tàu bè có khả năng nghiên cứu địa chấn trong khu vực nước sâu và các loại tàu hỗ trợ khác. Cùng với việc đưa vào hoạt động giàn khoan dầu, Trung Quốc cũng gửi kèm theo lực lượng bảo vệ bờ biển bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu đánh cá, và các cơ quan hải giám dưới sự chỉ huy thống nhất. Theo công ti IHS, hạm đội này bao gồm hơn 100 tàu, đang đặt thêm 40 tàu và dự kiến sẽ nhận thêm 15 tàu nữa vào năm nay. Nhiệm vụ của đội tàu bảo vệ này là gia tăng khả năng thi hành luật pháp trên biển, bảo vệ tài nguyên biển cũng như các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc, theo tin tức từ tháng 3 của Tân Hoa xã.

Trung Quốc được coi là sẽ tập trung sức lực vào vùng Biển Đông nhiều hơn so với vùng biển Hoa Đông vì tiềm năng trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông là vô cùng lớn.

Các công ty dầu khí nước ngoài săn lùng cơ hội ở Biển Đông

Nhiều năm qua, sức hút từ việc khai thác những nguồn tài nguyên giàu có ở Biển Đông đã đặt các công ty dầu khí nước ngoài vào vòng xoáy xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể kể đến như Exxon Mobil Corp., Chevron Corp., ConocoPhillips Co., and BP PLC. Một số công ty vẫn tỏ thái độ không lùi bước trước những cảnh báo của Bắc Kinh. Năm 2009, Exxon được quyền thăm dò 13 triệu mẫu ngoài khơi Việt Nam, tất cả đều nằm trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình theo Công ước của LHQ về luật biển.

Exxon và đối tác Petro Vietnam đã khoan thành công hai giếng dầu vào năm 2011 và 2012 ở Biển Đông. Exxon cho biết trong tháng 3, công ty này dự kiến tiến hành khoan thêm một giếng dầu nữa bởi vì công ty đã có một dự án khí đốt nhiều tỷ USD ở Việt Nam. Một phát ngôn của công ty cho rằng những tranh chấp chủ quyền nên để cho các chính phủ giải quyết với nhau, và từ chối bình luận về những kế hoạch khoan thăm dò tại khu vực đó. Năm ngoái ban điều hành Exxon và Petro Vietnam đã có cuộc gặp mặt tại thủ đô Washington và cam kết đẩy nhanh hợp tác. Do vậy, các hoạt động kinh doanh của Exxon tại Trung Quốc đã bị giới hạn thu hẹp hơn so với các đối thủ khác.

Các quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ đã đưa ra những cảnh báo về những thách thức mà các công ty Mỹ phải đối mặt tại Biển Đông. Một quan chức trong bộ ngoại giao đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cuộc trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc, song ông cũng nhấn mạnh thêm rằng Mỹ ủng hộ mở rộng quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam.

Quy mô thị trường năng lượng Trung Quốc và sức ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của các công ty dầu Trung Quốc đã tạo ra những ưu thế trong các thương vụ làm ăn với các công ty dầu quốc tế. Ngô Sỹ Tồn, chủ tịch Viện nghiên cứu biển Đông, Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi muốn thông báo cho cộng đồng quốc tế biết rằng: Đừng hy vọng Trung Quốc sẽ ngừng khoan dầu ở Biển Đông sau khi Việt Nam đã làm loạn lên”.

Có nhiều công ty can đảm thách thức Bắc Kinh. Năm 2006, Chevron ký kết với Petroliam Nasional Bhd., hoặc Petronas của Malaysia một thỏa thuận thăm dò một lô dầu khí ở phía đông Việt Nam. Trung Quốc đã cảnh báo ban điều hành của Chevron.

Chevron hiện tại cũng đang tiến hành khoan thăm dò tại Việt Nam, nhưng không nằm trong khu vực tranh chấp. Vào tháng 6, công ty dầu của Ý, Eni SpA đã ký kết một hợp đồng hợp tác sản xuất với PetroVietnam để tiến hành thăm dò tại những khu vực mà trước đây công ty Chevron tiến hành dở dang.

Royal Dutch Shell PLC cũng hợp tác với CNOOC. Trong chuyến thăm đến nước Anh vào tháng 6 vừa qua của thủ tướng Lý Khắc Cường, Shell và CNOOC đã ký kế một thỏa thuận mà họ gọi là “đồng minh chiến lược toàn cầu”.

Xem ra, nỗ lực khai thác dầu của Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông sẽ gia tăng căng thẳng Biển Đông. Sự kiện HD-981 chỉ là “chim báo bão”./.

Lưu Việt
ToQuoc.Gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét