kimluc

3 yếu tố tạo nên sức mạnh quân sự Việt Nam

(TNO) Không phải là nước trang bị số lượng vũ khí hạng nặng nhiều, nhưng Việt Nam lại có những lợi thế rất đáng kể để tạo nên sức mạnh quốc phòng, theo đánh giá của Global Firepower.


Tàu Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: Tấn Tú

Việt Nam được tổ chức Global Firepower (GFP) xếp thứ 23 thế giới về sức mạnh quân sự, trên cả những quốc gia hoặc lãnh thổ được đánh giá cao như Thái Lan, Ả Rập Saudi, Triều Tiên... Trong thang điểm của GFP, bên cạnh chi tiêu quốc phòng và số lượng vũ khí – trang bị, còn có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh quốc phòng của một nước. Vậy, Việt Nam có những lợi thế gì?

Chi tiêu quốc phòng

Nhìn vào diễn biến thời sự, có thể Triều Tiên hay các nước như Yemen, Iraq, Hy Lạp dễ tạo cảm giác họ rất chú trọng quốc phòng. Tuy nhiên trên thực tế, GFP tính trên chi tiêu quốc phòng và sức mua (trong trường hợp cần thiết), Việt Nam mới là nước trội hơn.

Theo đó GFP tính rằng với ngân sách quốc phòng 3,365 tỉ USD và lượng trữ ngoại hối – vàng ở mức 26,110 tỉ USD, Việt Nam xếp trên Iraq về sức mua. Iraq có các thống kê tương đương ở ngân sách khoảng 6 tỉ USD (gần gấp đôi Việt Nam), lượng trữ ngoại hối và vàng cũng trội hơn (khoảng 70,3 tỉ), nhưng sức mua tương đương chỉ là 236 tỉ USD, kém hơn so với Việt Nam (336,2 tỉ USD).


Việt Nam sở hữu lực lượng chiến đấu đông đảo - Ảnh: Tấn Tú

Đây là một lợi thế giúp Việt Nam được đánh giá quốc phòng cao hơn nhóm các nước kể trên.

Nhân lực

Sức mạnh quân sự chắc chắn phải phụ thuộc nhiều vào số lượng binh sĩ và những người điều khiển thiết bị, và đó là điều Việt Nam đang sở hữu.

Dân số trên 92 triệu người theo thống kê của GFP là một lợi thế của Việt Nam nếu so với Iraq (khoảng 31,9 triệu người) hay Hy Lạp (10,7 triệu người), Thái Lan (67,4 triệu người). Trong đó, Việt Nam được xem có thể huy động trên 50 triệu người tham chiến, cao hơn 3 lần so với khoảng trên 15 triệu người của Iraq hoặc 35,4 triệu người Thái Lan.

Một điểm nữa là dân số Việt Nam ở độ tuổi lao động cũng đông đảo hơn, ước tính gần 53 triệu người. Mỗi năm, số người đủ tuổi tham gia quân sự là hơn 1,6 triệu người. Con số tương tự đủ tuổi tham gia quân sự hằng năm của Iraq là khoảng 650.000 người, còn Thái Lan vào khoảng 1 triệu người.

Nhiên liệu

Đây là một thông số cực kỳ quan trọng trong thang đo của GFP. Với khả năng sản xuất trên 300.000 thùng dầu/ngày, Việt Nam lợi thế về nhiên liệu phục vụ chiến đấu hơn so với nhiều nước khác.


Hai tàu ngầm HQ 184 Hải Phòng (trái) và HQ 185 Khánh Hoà (phải) đậu trước Nhà máy đóng tàu Admiralty, St.Petersburg, Nga cuối tháng 7.2014 - Ảnh: Nhà máy Admiralty

Để so sánh, dù sở hữu số lượng thiết bị xe tăng, máy bay, tàu chiến không kém cạnh Việt Nam, Yemen vẫn khó được đánh giá cao hơn vì họ chỉ sản xuất khoảng 288.000 thùng/ngày. Trữ lượng dầu của Yemen để sử dụng là 3 tỉ (3.000.000.000) thùng/ngày, trong khi Việt Nam đã được kiểm chứng bởi GFP với số lượng trữ lên đến 4,4 tỉ (4.400.000.000) thùng/ngày.

Lấy ví dụ Brazil, nước xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự để thấy dân số đông đảo của họ đã tạo nên lợi thế cực lớn. Tiếp nữa, Brazil đang trữ tới 13,150 tỉ thùng dầu/ngày, thừa sức đáp ứng cho số lượng xe tăng (489) hay máy bay (748) của họ.

Với những lợi thế trên, cộng thêm việc sẽ nhận được đủ 6 chiếc tàu chiến vào năm 2016, Việt Nam chắc chắn sẽ củng cố sức mạnh quân sự thêm rất nhiều, theo defenseindustrydaily.com.

Báo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét