kimluc

Triển vọng tự chế tạo tên lửa của Việt Nam

Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cho biết đang xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tên lửa để trình Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Theo tin trên báo Quân đội nhân dân, Hôm 5/2, trong buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp đầu năm 2015, đại diện của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho biết cơ quan này đang nghiên cứu soạn thảo và trình Bộ Quốc phòng về Quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp tên lửa. Bên cạnh đó cơ quan này cũng đang soạn thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2016-2020.


Tên lửa phòng không của Việt Nam trong một đợt diễn tập bắn đạn thật.

Phát triển công nghiệp quốc phòng để bảo vệ vững chắc tổ quốc là một vấn đề quan trọng với bất kỳ quốc gia nào. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, các tên lửa giữ một vị trí rất quan trọng. Do vậy, việc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp tên lửa là rất đúng đắn và cần thiết. Chúng ta hãy cùng điểm lại xem Việt Nam đã ở điểm xuất phát nào trước khi phát triển công nghiệp tên lửa.

Trước hết, Việt Nam đã làm quen và sử dụng tên lửa từ 50 năm trước tính từ thời điểm chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị tên lửa phòng không do bộ đội Việt Nam sử dụng bắn rơi. Cũng trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam không chỉ sử dụng mà còn bước đầu có những nghiên cứu về tên lửa.

Một ví dụ điển hình cho việc này là chúng ta đã tìm được cách kéo dài tuổi thọ cho một số lượng lớn tên lửa Sam-2 nhằm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.

Vài năm trở lại đây, theo các phương tiện truyền thông trong nước, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong ngành công nghiệp tên lửa. Chẳng hạn như Viện Thuốc phóng thuốc nổ thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã chế tạo thành công nhiên liệu tên lửa hỗn hợp có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.


Tên lửa đạn đạo Scud của quân đội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đang thực hiện đề án chế tạo tên lửa phòng không tầm thấp mang tên TL-01. Hồi đầu năm ngoái, báo Quân đội nhân dân trong bài “Bám sát sự phát triển của nghệ thuật quân sự và đối tượng tác chiến” đã hé mở về đề án này. Bài báo viết: “Bộ Quốc phòng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án chế tạo sản phẩm khoa học – công nghệ quốc gia với 2 sản phẩm, gồm tên lửa phòng không tầm thấp TL-01 và radar cảnh giới biển tầm gần… Toàn quân tiếp tục tổ chức hoạt động khoa học – công nghệ theo hướng đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu với công nghiệp quốc phòng; từng bước làm chủ các giải pháp thiết kế kỹ thuật và công nghệ chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật mới nhằm nâng cao sức mạnh, khả năng chiến đấu của quân độ”.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 9/2014, Quân chủng Phòng không – Không quân cho bắn thử nghiệm thành công 3 tổ hợp tên lửa C125-2TM cải tiến. Theo các thông tin trên phương tiện truyền thông, các tổ hợp tên lửa bắn thử nghiệm thuộc dự án cải tiến tổ hợp tên lửa C125-2TM. Dự án này tập trung vào mấy điểm chủ yếu là: tăng khả năng bám bắt mục tiêu của tên lửa, giảm thời gian triển khai và thu hồi khí tài. Bên cạnh đó đặt biệt chú trọng đến khả năng chống nhiễu phức tạp.

Một thông tin nữa cũng đáng lưu ý trong chủ đề Việt Nam phát triển công nghiệp tên lửa đó là việc hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa chống hạm. Cách đây vài năm có tin cho biết Việt Nam đang dự định hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35 Uran UV. Cuối năm 2013, tạp chí Công nghiệp – Quốc phòng của Nga trích lời ông Mikhail Dmitriev – Giám đốc Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự, nói rằng Nga và Việt Nam đang thảo luận về dự án phát triển chung loại tên lửa chống tàu Kh-35 Uran-UV. Ông Dimitriev nói: “Thực tế là Nga và Việt Nam đã lên kế hoạch tạo ra loại tên lửa mới dựa trên nguyên bản tên lửa chống tàu Kh-35 Uran trong tháng 2 năm nay (2/2013)”. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có thông tin nào về dự án này nên không rõ kế hoạch đã được triển khai hay đã bị đình lại.

Một vài nét sơ lược nói trên cũng cho thấy Việt Nam đã có quá trình làm quen, vận hành và nghiên cứu lâu dài với các tên lửa. Trong thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã có một vài thành tựu về nghiên cứu cải tiến và tự sản xuất một số bộ phận của hệ thống tên lửa. Hy vọng với đề án phát triển ngành công nghiệp tên lửa mà Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đang soạn thảo, khi được phê duyệt và đi vào hoạt động, sẽ tạo một đà đẩy để ngành công nghiệp tên lửa Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét