kimluc

Việt Nam phải ‘’ tứ diện giáp công ’’ để tranh thủ Malaysia

Với việc Malaysia – một nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lên làm chủ tịch khối Đông Nam Á ASEAN trong năm 2015, câu hỏi từng được đặt ra là chính quyền của Thủ tướng Najib Razak sẽ xử lý ra sao hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa Malaysia cùng với Việt Nam, Philippines và Brunei với Trung Quốc.



Câu hỏi này lại càng nhức nhối khi trong thời gian qua, Việt Nam và Philippines – vì bị Trung Quốc chèn ép quá mức – đã tiến lên tuyến đầu trong cuộc đối kháng với các sức ép của Bắc Kinh, vốn không che giấu tham vọng chiếm trọn Biển Đông, trong lúc đó Malaysia lại thể hiện một thái độ rất kín đáo. Nhiều chuyên gia phân tích không ngần ngại cho rằng Kuala Lumpur chủ trương ‘’ ngậm miệng ăn tiền ‘’, tránh làm phật lòng Trung Quốc vì những mối quan hệ kinh tế quá chặt chẽ với cường quốc khu vực đã vươn lên thành đối tác thương mại số một của mình.

Tuy nhiên, trong bài phân tích ngày 09/02/2015 vừa qua, nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney đã bước đầu phản bác mối quan ngại về khả năng Malaysia sẽ thiếu kiên quyết trong vấn đề thúc đẩy một giải pháp thỏa đáng cho tranh chấp Biển Đông. Đó cũng là nhận định của hai chuyên gia về Biển Đông mà RFI đã phỏng vấn : Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, và Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine, Hoa Kỳ.

Đối với hai chuyên gia kể trên, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội một nước có quyền lợi thiết thân tại Biển Đông lên đứng đầu ASEAN để thúc đẩy thêm hồ sơ Biển Đông trong toàn khối, tạo nên sức mạnh trong đàm phán với Trung Quốc. Riêng giáo sư Ngô Vĩnh Long còn cho rằng, để có thể thuyết phục Malaysia, Việt Nam cần phải vận động thêm các đối tác ngoài khu vực của Kuala Lumpur, đặc biệt là ba nước Mỹ, Nhật và Ấn Độ đã công khai thể hiện mối quan tâm đến Biển Đông. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói đây là chiến thuật ‘’ tứ diện giáp công ‘’, tác động đồng thời từ bốn hướng Việt, Mỹ, Nhật và Ấn.

Malaysia và Biển Đông : Khó có sáng kiến mới

Theo phân tích của Giáo sư Thayer, cho dù không nên chờ đợi một sáng kiến mới mẻ nào về Biển Đông từ phía Malaysia, nhưng cần lưu ý đến các vận động ngoại giao trong hậu trường, vốn là đặc trưng xuyên suốt trong cách xử lý hồ sơ Biển Đông của chính quyền Kuala Lumpur. Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Thayer phân tích :

Thayer :Malaysia là một trong 5 thành viên sáng lập ban đầu của ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ thể hiện lập trường đồng thuận của các thành viên về vấn đề Biển Đông. Giới lãnh đạo Malaysia nói chung, và Thủ tướng Najib Razak nói riêng, hoàn toàn ủng hộ các biện pháp ngoại giao hòa bình để thực thi bản Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh tiến độ nhằm đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Các đặc trưng trong phương pháp tiếp cận các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông của Thủ tướng Malaysia là kiểm soát chặt chẽ mọi ý kiến phát biểu công khai của các quan chức Malaysia đồng thời không nói bất cứ điều gì (về hồ sơ này) ở nơi công cộng. Ông Najib chủ trương một mình đảm trách vấn đề này trong khuôn khổ các cuộc tiếp xúc mặt-đối-mặt với các quan chức Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai ca ngợi vào năm ngoái (2014) tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC về cách tiếp cận đó.

Nói tóm lại, Malaysia sẽ đóng một vai trò ngoại giao mạnh mẽ đằng sau hậu trường trong việc khuyến khích Trung Quốc cởi mở hơn (trong hồ sơ Biển Đông), nhưng trước công chúng, Malaysia sẽ thận trọng. Khó có khả năng Malaysia đề xuất sáng kiến mới nào (về Biển Đông trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của mình).

Trung Quốc vẫn dọa nạt Malaysia

Có một điểm mà nhiều người nghĩ đến là liệu Trung Quốc sẽ cố gắng gây sức ép trên Malaysia để nhận chìm hồ sơ Biển Đông như đã từng làm với Cam Bốt vào năm 2012 hay không. Giáo sư Thayer cho rằng vấn đề này không thể xẩy ra, nhất là khi trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã không ngần ngại "tấn công" vào các lợi ích của Kuala Lumpur tại Biển Đông.

Thayer : Malaysia là một nền kinh tế tương đối mạnh và Trung Quốc sẽ không thể sử dụng ảnh hưởng chính trị trên chính quyền Kuala Lumpur như họ từng làm tại Cam Bốt. Trong những năm gần đây, đã xẩy ra một số sự cố trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Malaysia. Trong hai lần khác nhau, Bắc Kinh đã cử tàu Hải quân đến bãi ngầm James Shoal ngoài khơi bờ biển phía đông Malaysia để tuyên hứa bảo vệ chủ quyền Trung Quốc. James Shoal được Bắc Kinh tuyên bố là vùng đất xa xôi nhất thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mặc dù bãi này chìm sâu hai mươi mét dưới mặt nước.

Nghiêm trọng hơn, vào năm ngoái, giới chức thực thi luật biển của Trung Quốc đã bắt đầu gỡ bỏ cột mốc lãnh thổ của Malaysia cắm trên bãi đá Erica Reef (Đá Én Ca) và bãi cạn Luconia Shoal, để thay thế chúng bằng các cột mốc Trung Quốc. Ngư dân Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, dùng chất cyanide để đánh bắt vô số cá. Và các tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc liên tục thách thức tàu của Petronas - tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia - đi phục vụ các giàn khoan dầu ở ngoài khơi.

Trong bối cảnh như kể trên, theo Giáo sư Thayer, Việt Nam cần phải thuyết phục được Malaysia về tính chất tai hại của các hoạt động thay đổi nguyên trạng Biển Đông mà Trung Quốc đang thực hiện đối với toàn thể các nước ven Biển Đông, để Kuala Lumpur có cách xử lý thỏa đáng trong tư cách Chủ tịch ASEAN.

Thayer : Theo quan điểm của Việt Nam, sự thống nhất trong nội bộ ASEAN và quyết tâm thực thi bản Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông DOC và có được một bộ Quy tắc Ứng xử COC mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý là những nhân tố cần thiết trong chiến lược của Việt Nam nhằm chống lại các đòi hỏi chủ quyền quyết đoán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự đoàn kết và quyết tâm của ASEAN không đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục vận động Malaysia để nước này chú ý không chỉ đến lợi ích của Việt Nam, mà đến quyền lợi của tất cả các quốc gia ven biển khác, trước các hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo đá của Trung Quốc tại Biển Đông.

Vì Trung Quốc, Malaysia bị thiệt hại không bằng Việt Nam nhưng hơn Philippines

Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, khi xem xét về quan điểm Biển Đông của Malaysia, không nên quên rằng nước này sẽ bị thiệt hại nặng nếu Trung Quốc nuốt trọn Biển Đông. Trên thang bậc của các lợi ích bị đe dọa, nếu Việt Nam đứng thứ nhất, thì Malaysia xếp thứ hai, trong lúc Philippines chỉ đứng thứ ba.

Theo Giáo sư Long, lẽ dĩ nhiên là Malaysia phải quan tâm đến Trung Quốc, vốn đã trở thành đối tác thương mại số một của họ, thế nhưng, với các hành vi càng lúc càng quá trớn của Trung Quốc tại Biển Đông, Malaysia đã ngày càng hiểu rõ hơn mối đe dọa của Trung Quốc đối với toàn khu vực, đặc biệt là đối với Malaysia.

Để đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc, theo ghi nhận của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Malaysia càng lúc càng phát triển quan hệ an ninh quốc phòng với Mỹ, Ấn Độ, và trong một chừng mực nào đó với Nhật. Do vậy, để thúc đẩy hồ sơ Biển Đông, Việt Nam cần phải tranh thủ quan hệ vốn đã hữu hảo với Kuala Lumpur, bên cạnh đó, cũng cần vận động ba đối tác quan trọng khác của Malaysia là Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản để các cường quốc này tác động thêm.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long không ngần ngại khẳng định rằng trên hồ sơ Biển Đông, sự kiện Malaysia lên làm chủ tịch ASEAN có lợi không chỉ cho Việt Nam, mà cho tất cả các nước :



RFI : Việc Malaysia làm chủ tịch ASEAN có lợi cho Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông hay không ?

Ngô Vĩnh Long : Nói chung thì việc Malaysia làm chủ tịch ASEAN không những có lợi cho Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông mà còn cho nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Một trong những lý do, nhìn trên khía cạnh địa chính trị, thì Malaysia là nước có quyền lợi bị đe dọa lớn thứ nhì sau Việt Nam — chứ không phải là Philippines - vì những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mặc dầu Philippines năng động nhất trong các nước Đông Nam Á trong việc đương đầu với Trung Quốc vì những đòi hỏi phi lý, phi pháp và hiếu chiến của Trung Quốc, nhưng thật ra Philippines xa các đường thông thương trên Biển Đông hơn là Malaysia.

RFI : Vì sao Malaysia lại khá kín tiếng trên vấn đề Biển Đông dù quyền lợi cũng bị Trung Quốc đe dọa ?

Ngô Vĩnh Long : Malaysia từ trước đến nay cậy thế là hơn 90% các lưu thông hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Tây Thái Bình Dương và ngược lại phải qua Eo Biển Malacca cho nên Malaysia nghĩ là không cần có hành động gì rõ ràng vì nước nào cũng phải chiều chuộng Malaysia.

Ngoài ra, đến năm 2012, Trung Quốc đã vượt Mỹ thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Thương mại hai chiều giữa Malaysia và Trung Quốc năm 2012 là 88 tỷ Mỹ kim. Thêm vào đó, đầu tháng 10/2013, Tập Cận Bình đã lợi dụng việc Tổng Thống Obama phải hủy bỏ chuyến thăm dự trù đến Malaysia, để ký một hiệp ước thương mại 5 năm với Thủ tướng Najib Razak, tăng thương mại hai chiều lên đến 160 tỷ Mỹ kim vào năm 2017.

Do đó Malaysia không muốn làm gì để cho Trung Quốc có thể mất lòng hay tức giận.Trước chuyến thăm của Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn ngày 28/08/2013 là Malaysia không lo ngại việc tàu chiến của Trung Quốc tuần tra nhiều đến bất cứ mức nào ở trong khu vực Biển Đông. Sau đó, đã có một số đụng độ trên Biển Đông gần hải phận của Malaysia nhưng Malaysia đã cố tình ngơ đi.

RFI : Trong năm 2014 Biển Đông đã sôi sục hẳn lên và Malaysia đã tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng với Mỹ ?

Ngô Vĩnh Long : Tình hình trên Biển Đông từ năm 2014 đã ngày càng khẩn trương và các nước lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật và Ấn Độ đã phải có những phản ứng rõ ràng hơn với Trung Quốc.

Riêng đối với Mỹ thì cuối tháng 04/2014, Tổng thống Obama đã đi thăm Malaysia, ngay sau khi đi thăm Nhật và Hàn Quốc và trước khi đi thăm Philippines, với mục đích chính là để bàn với các nước này về chiến lược đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc trong khu vực biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông).

Đây cũng là một vấn đề chính mà Tổng thống Obama đã trao đổi với Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 27/04/2014. Hai lãnh đạo cũng đã ký một hiệp ước nâng quan hệ của hai nước lên đến tầm “ đối tác toàn diện ”, trong đó vấn đề an ninh và quốc phòng là then chốt.

Malaysia nhận thức rõ hơn về mối đe dọa từ Trung Quốc

Malaysia có vẻ hiểu rõ hơn địa thế của Biển Đông và mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực này, đặc biệt là đối với Malaysia. Tất cả các giao thông qua eo biển Malacca và eo biển Sunda (giữa đảo Sumatra và đảo Java của Indonesia) đều phải qua Biển Đông và qua ngay vùng biển giữa phía đông và phía tây Malaysia. Các nút chặn của Trung Quốc trên Biển Đông, từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ làm cho vai trò của Malacca và của Malaysia yếu đi rất nhiều, nếu không nói là dần dần có thể sẽ mất đi.

Do đó, Malaysia phải lợi dụng cơ hội tốt trong hiện tại để đóng góp với các nước trong khu vực và thế giới trong việc bảo vệ an ninh chung cũng như quyền lợi của chính nước mình. Philippines, một nước không trực tiếp bị thiệt hại vì đe dọa thông thương trên Biển Đông, còn hiểu được tầm quan trọng của Biển Đông, huống chi là Malaysia và các nước khác.

RFI : Việt Nam có thể làm gì để tranh thủ Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN ?

Ngô Vĩnh Long : Việt Nam có thể tranh thủ Malaysia bằng cách giải thích cho Malaysia biết rõ vai trò quan trọng của mình trong giai đoạn hiện tại. Đối với vấn đề Biển Đông thì Việt Nam đã có những cộng tác tốt với Malaysia. Một ví dụ là năm 2009 Malaysia và Việt Nam đã cùng nhau đệ trình lên Ủy ban về Ranh giới Thềm Lục địa của Liên Hiệp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf United Nations CLCS) xin nới rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà hai bên đã thỏa thuận.

Đây là một lý do làm cho Trung Quốc quýnh lên và hấp tấp nộp cho Liên Hiệp Quốc “bản đồ chữ U” (bản đồ 9 đoạn) mà lúc đó không kịp vẽ tọa độ nào hết. Vận động các nước khác làm áp lực quan trọng hơn tranh thủ trực tiếp Malaysia. Nhưng quan trọng hơn việc tranh thủ Malaysia trực tiếp là việc vận động các nước khác làm áp lực, trong đó vai trò của Mỹ, Nhật và Ấn Độ là quyết định hơn cả.

RFI : Xin Giáo sư giải thích rõ hơn về vai trò của các nước ngoài khu vực này, chẳng hạn như vai trò của Mỹ ?

Ngô Vĩnh Long : Quan trọng nhất có lẽ là vai trò của Mỹ, vì Mỹ đã có quan hệ quốc phòng và an ninh khá mật thiết với Malaysia trong nhiều năm qua - từ việc chống khủng bố đến việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Trên lãnh vực kinh tế và thương mại, thì tuy Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trong việc mua bán với Malaysia, Mỹ vẫn còn là nước có đầu tư lớn nhất ở Malaysia.

Trong lãnh vực năng lượng, điện tử và chế biến, các công ty của Mỹ thuê khoảng 200 ngàn lao động. Riêng trong lãnh vực chế biến, đầu tư của các hãng Mỹ hiện nay là trên 15 tỷ Mỹ kim. Có nhiều thăm dò dư luận đã cho biết là Mỹ vẫn là nước ngoại quốc được dân Malaysia thích nhất, mặc dầu ở đây đa số dân là người Hồi Giáo.

RFI : Vai trò của Ấn Độ đối với Malaysia ?

Ngô Vĩnh Long : Ấn Độ có lẽ là nước có tiếng nói mạnh thứ hai đối với Malaysia, một phần vì hai nước đã có những quan hệ văn hóa, ngoại giao và và thương mại rất lâu bền. Tuy trao đổi thương mại song phương hiện nay chỉ khoảng 15 tỷ Mỹ kim (Malaysia xuất sang Ấn Độ hơn 11 tỷ và Ấn Độ xuất sang Malaysia gần 4 tỷ), vai trò của công dân Malaysia gốc Ấn (hiện nay khoảng 1/3 tổng dân số) trong nền kinh tế Malaysia nói chung rất quan trọng.

New Delhi chưa hề kích động Ấn Kiều trong khi Bắc Kinh dùng Hoa Kiều như là ‘' đội quân thứ 5 '’. Thêm vào đó, Ấn Độ chưa bao giờ kích thích người gốc Ấn chống lại chính quyền, trong khi Trung Quốc sử dụng người Hoa như là “ đội quân thứ 5 ” để tạo ra mất an ninh cho Malaysia, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc này đã gây ấn tượng sâu đậm đối với người dân Malaysia cho nên ảnh hưởng của Trung Quốc càng lớn thì càng làm cho họ lo ngại.

Trên lãnh vực an ninh-quốc phòng thì hợp tác Ấn Độ-Malaysia đã càng ngày càng được củng cố từ năm 1993 khi hai bên ký Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng. Từ 2006 đến nay, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đều gặp nhau hàng năm, có khi nhiều lần trong năm. Hải quân hai nước tập trận chung hàng năm và tàu chiến của hai nước thường cặp bến của nhau nhiều lần mỗi năm.

Tuy nhiên, cho đến nay Malaysia vẫn rất thận trọng đối với việc Ấn Độ muốn nâng cấp vai trò an ninh trong khu vực biển Adaman và Eo biển Malacca cũng như trên Biển Đông. Nhưng việc nâng cấp quan hệ giữa Malaysia với Mỹ, và gần đây giữa Ấn Độ với Mỹ - một phần vì lý do Trung Quốc làm mất an ninh trong khu vực Biển Đông và đe dọa khu vực Ấn Độ Dương - có thể cũng sẽ gây áp lực hơn đối với Malaysia.

RFI : Bang giao Nhật Bản và Malaysia ?

Ngô Vĩnh Long : Quan hệ song phương giữa Malaysia và Nhật yếu hơn với Ấn Độ và Mỹ, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế và thương mại - một phần vì giới đầu tư và thương mại của Nhật không tin tưởng lắm ở chính sách của chính phủ và đảng cầm quyền ở Malaysia.

Thương mại hai chiều đến năm 2012 là khoảng 50 tỷ Mỹ kim, trong đó gần 30 tỷ là hàng xuất sang Nhật và trên dưới 20 tỷ là nhập từ Nhật. Có hơn 1400 công ty của Nhật hoạt động ở Malaysia, với tổng số công nhân khoảng 11.000 người.

Trong khi giới kinh doanh của Nhật không tin tưởng lắm ở nền kinh tế và chính trị của Malaysia, thì chính phủ Nhật đã đặt nặng vấn đề quan hệ với Malaysia và với các nước ASEAN vì lý do an ninh khu vực. Ông Abe, sau khi lên làm Thủ tướng năm 2012, đã đi thăm Malaysia và các nước ASEAN nhiều lần để thúc đẩy quan hệ, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề an ninh trên biển trong khu vực trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Nhật can dự vào Biển Đông : Malaysia chuyển từ dè dặt đến nâng cấp hợp tác về an ninh trên biển

Cho đến gần đây Malaysia đã không nồng nhiệt lắm đối với sự thúc đẩy của Nhật về vấn đề an ninh khu vực nói chung, và an ninh hàng hải nói riêng, một phần vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Có một lần gặp Shinzo Abe năm 2013, Thủ tướng Najib đã nói rằng vấn đề Biển Đông là để cho các nước ASEAN tự lo qua phương pháp đa phương, tức là ông ta muốn nói Nhật không nên xía vào và không nên liên kết vấn đề Biển Hoa Đông (Điếu Ngư) với Biển Đông.

Nhưng Mỹ đã liên kết mối đe dọa của Trung Quốc trong hai vùng biển này và chính phủ Malaysia đã càng ngày càng dựa vào Mỹ để bảo vệ an ninh và quyền lợi của mình. Trong khi đó thì Ấn Độ cũng càng ngày càng thấy rõ liên hệ giữa an ninh trên Ấn Độ Dương và Biển Đông và đã nâng cao quan hệ với Mỹ chính vì lý do đó. Trong tình hình đó, Malaysia không thể nào muốn bám sát Mỹ mà lại thờ ơ với hai cường quốc kia, đặc biệt trong khi Nhật là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Á Châu.

Ngày 13/11/ 2014 hai Thủ tướng Nhật và Malaysia gặp nhau ở cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN ở Naypyidaw, Miến Điện, và sau đó tuyên bố là cả hai bên đã đồng ý nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng Abe nói thêm rằng đối với vấn đề an ninh trên biển thì Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Cơ quan Củng cố An ninh trên biển của Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency, MMEA).

Ngày 04/02/2015, khi được báo chí hỏi về việc Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy trưởng Hạm Đội Bảy (Seventh Fleet) của Mỹ ở Thái Bình Dương - đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng việc Nhật cho máy bay đi tuần tra khu vực Biển Đông sẽ giúp nhiều cho an ninh khu vực - Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani của Nhật đã trả lời : " Chúng tôi hiện nay không có tuần tra trong khu vực này và không có kế hoạch làm việc này. Nhưng chúng tôi đang củng cố hợp tác với Mỹ, và tình hình ở Biển Đông có ảnh hưởng đến an ninh của chúng tôi, và chúng tôi biết rằng chúng tôi phải cần suy nghĩ cách đối phó."

Malaysia cũng phải suy nghĩ cách đối phó, đặc biệt là sau khi trở thành chủ tịch ASEAN thì khó có thể do dự hay trốn tránh mãi được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét