kimluc

Dự án bauxite sập bẫy giá rẻ từ Trung Quốc

(PLO) - Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã sập bẫy giá rẻ của Trung Quốc. Ước tính tổng số lỗ của dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) Nhân Cơ (Đăk Nông) trong năm 2015 sẽ khoảng 37,4 triệu USD.


Nhà máy Alumin Tân Rai

Đó là nhận định của TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án than Đồng bằng sông Hồng – Vinacomin, nêu ra tại cuộc tọa đàm về dự án bauxite do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (Pan Nature) tổ chức ngày 28-3 ở Hà Nội.

-> Xem trên PLO

Chủ đầu tư bỏ qua giai đoạn đấu thầu quốc tế rộng rãi

TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng Alumina là một dự án mới, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, có điều kiện triển khai phức tạp. Để chọn được đối tác triển khai dự án có hiệu quả, chủ đầu tư phải chuẩn bị rất kỹ như thuê các cơ quan tư vấn có kinh nghiệm soạn thảo hồ sơ mời thầu; có kinh nghiệm tổ chức đấu thầu và có kinh nghiệm, trình độ giám sát các nhà thầu. Tuy nhiên ở Việt Nam đến nay không có bất kỳ cơ quan tư vấn nào có đủ kinh nghiệm và trình độ để thực hiện ba công đoạn trên.


Dây chuyền sản xuất trong nhà máy

Thực tế, Vinacomin đã không chọn các nhà thầu tư vấn có kinh nghiệm, chỉ chọn tư vấn theo tiêu chí “nội lực” và tiêu chí “đang không có việc làm” nên đã bị “sập” cái “bẫy giá rẻ” do chính mình đặt ra. Về mặt luật pháp, việc chủ đầu tư đã bỏ qua giai đoạn đấu thầu quốc tế rộng rãi để chọn nhà thầu tư vấn là một sai lầm không thể chấp nhận được.

Theo ông Sơn, giá trị Hợp đồng thuê tư vấn quốc tế thường chiếm không quá 5% giá trị gói thầu (khoảng 600 tỉ đồng). Thế nhưng tính đến tháng 5-2014 chủ đầu tư công bố phí tư vấn quản lý dự án (đơn vị trong nước) đã lên tới gần 800 tỉ. Vinacomin vừa mắc bẫy của chính mình vừa mắc cả bẫy của nhà thầu.

Nguyên nhân được ông Sơn chỉ ra là vì theo phụ lục trong Hợp đồng EPC giữa Vinacomin và nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) ngày 14-7-2008 của dự án Tân Rai, nhà thầu cam kết 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm (giá trị tương đương 20 triệu USD) so với công bố của chủ đầu tư. Kéo theo doanh thu giảm khoảng 5 triệu USD/năm.

Còn ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm – Titan, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng khi Trung Quốc chào thầu, giá rất thấp. Thế nhưng khi kí hợp đồng thì giá lại tăng lên. Phía họ lấy lý do đội giá là do mức giá chào thầu chưa tính đến thiết bị dự phòng. Đây chính là bẫy của họ.

Lỗ triền miên

Về giá sản phẩm, ông Sơn cho biết năm 2014 tổng số alumina tiêu thụ của Nhà máy Tân Rai là 492.000 tấn với giá bán bình quân 326,5 USD/tấn. Tuy nhiên trên thực tế nếu tính cả chi phí khấu hao, chi phí vận tải về cảng Gò Dầu thì giá thành đầy đủ tương đương 413,5 USD/tấn. Như vậy, trong năm 2014, mỗi tấn alumina bị lỗ ít nhất là 87 U$/tấn. Tổng số lỗ của năm 2014 là 42,8 triệu USD và trong năm 2015 tình hình sẽ tiếp tục như thế.


Theo tính toán năm 2015 khi nhà máy Nhân Cơ đi vào hoạt động, tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục lỗ

Theo dự toán của Vinacomin, mức lỗ của năm 2015 cho cả hai sự án Tân Rai và Nhân Cơ (Đăk Nông), bất kể là sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, cũng xấp xỉ 37,42 triệu USD.

Do đó, ông Sơn cho rằng sau 6 năm thử nghiệm, do có nhiều bất cập (vi phạm) trong chọn thầu, dự án alumina có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật lạc hậu, tình hình kinh doanh đang bị lỗ kéo dài và đang làm nảy sinh thêm vấn đề kinh tế (các mỏ than ở Quảng Ninh đang phải “gánh” lỗ cho alumina Tây Nguyên). Trong thời gian tới, nếu không cân nhắc đầy đủ và có trách nhiệm, việc triển khai dự án nhôm kim loại Nhân Cơ có thể sẽ còn dẫn đến những điều đáng lo ngại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét