kimluc

Báo Mỹ nói về chiến lược 'du kích dưới biển' của Việt Nam

Nhật báo "Wall Street Journal" số ra mới đây cho rằng Việt Nam đã hồi sinh chiến lược "du kích", như từng sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đối phó với sức mạnh vượt trội của Trung Quốc ở trên biển khi quyết định mua sắm hạm đội tàu ngầm.


Ngoài Việt Nam, một số quốc gia nhỏ tại khu vực cũng đang triển khai bước đi này, khiến cho Biển Đông gia tăng nguy cơ đụng độ dưới lòng Biển Đông, vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Theo Nhật báo “Wall Street Journal”, để đối phó với một kẻ thù mạnh hơn rất nhiều, du kích Việt Cộng trước đây đã sử dụng mạng lưới đường hầm ở ngoại ô Sài Gòn để chống lại các lực lượng của Mỹ. Từ dưới hầm, Việt Cộng có thể triển khai các cuộc tấn công bất ngờ, đồng thời hệ thống đường hầm cũng giúp họ giảm thiểu thiệt hại từ các cuộc ném bom của máy bay B52. Giờ đây, đối mặt với một mối đe dọa mới từ Trung Quốc, và lần này là trên biển, quân đội Việt Nam thua về số lượng cũng như trang bị vũ khí đang trở lại sử dụng chiến thuật cũ đó: Ẩn mình dưới nước. Thương vụ mua sắm lớn nhất từ trước tới nay là việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Báo chí Việt Nam cho biết chiếc thứ ba đã được bàn giao.

Các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua cực kỳ khó phát hiện, và giới hải quân Mỹ hiện nay đánh giá đó là các "lỗ đen". Các tàu ngầm, cũng giống như các đường hầm của Việt Cộng trước đây, là ví dụ tiêu biểu của một cuộc chiến bất đối xứng. Thương vụ mua tàu ngầm của Việt Nam cho thấy cách thức mà các quốc gia trong khu vực, vốn không phải là đối thủ quân sự của Trung Quốc, đang tìm các biện pháp khác nhau để chống lại tham vọng trên biển của Bắc Kinh, và nó cũng làm gia tăng thêm các nguy cơ mới, khó đoán định, khiến cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Các tàu ngầm ở trong tay những lực lượng hải quân có ít kinh nghiệm làm chủ các hệ thống phức tạp sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ ngẫu nhiên, có thể nhanh chóng leo thang và buộc Mỹ cũng như một số cường quốc khác phải can dự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về một khái niệm "cộng đồng lợi ích chung" tại châu Á-Thái Bình Dương, và gần đây, tại một diễn đàn khu vực, ông cam kết sẽ cùng xây dựng một trật tự khu vực thuận lợi hơn cho châu Á và thế giới. Căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới xây dựng gần đây của Trung Quốc tại đảo Hải Nam hướng trực tiếp ra vùng biển kéo tới tận Indonesia mà Trung Quốc ngày càng coi là sân sau trên biển của mình.

Đối với các quốc gia ven biển như Việt Nam, Malaysia và các quốc đảo như Indonesia, tàu ngầm là một trong những cách thức hiệu quả nhất để cân bằng lợi thế với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tất cả các quốc gia này đều cảm thấy bị đe dọa, nhưng không quốc gia nào đủ mạnh để đối đầu với sức mạnh của Trung Quốc. Theo nhận định của chuyên gia Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia, các tàu ngầm lớp Kilo mang lại cho Việt Nam một câu trả lời "khiêm tốn nhưng uy lực" đối với sự hăm dọa bằng hải quân từ Trung Quốc.

Tại Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có một lực lượng tàu ngầm hùng mạnh. Úc có kế hoạch chi 40 tỷ USD để mua các tàu ngầm mới. Philippines, Thái Lan và Malaysia cũng đang tính toán về việc mua tàu ngầm. Điều này khiến lòng Biển Đông sẽ ngày càng đông đúc. Với tàu ngầm, tất cả những gì cần là một chiếc không bị phát hiện, có thể làm thay đổi cán cân quân sự. Tìm kiếm và hủy diệt tàu ngầm rất khó, và các cuộc tấn công của tàu ngầm nhằm vào các tàu chiến trên mặt biển luôn mang tính hủy diệt.

Chính vì thế, nó khiến nguy cơ bất ổn là rất lớn. Khi các tàu ngầm bị phát hiện, các chỉ huy tàu chiến phải đưa ra những quyết định nhanh và sống còn là liệu có nên bắn hay không, và nó sẽ có thể tạo ra một cuộc xung đột quốc tế. Thêm vào đó, cuộc cạnh tranh âm thầm này đang diễn ra dưới lòng biển, nơi có các tuyến đường biển đông đúc nhất của thế giới. Hơn một nửa số tàu hàng của thế giới đi qua Biển Đông. Nó gắn Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, và quốc gia nào kiểm soát Biển Đông sẽ có thể kiểm soát kinh tế toàn cầu. Việt Nam, với đường bờ biển dài, hiện đang ở trọng tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị. Dù quân đội Việt Nam mạnh nhất trong số 10 quốc gia ASEAN, nhưng cũng chịu áp lực lớn nhất từ Trung Quốc. Đó là lý do, theo các nhà phân tích quân sự tại Hà Nội, mà cuộc khủng hoảng hồi tháng 5/2014 sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, giờ đây đã trôi qua.

Nhưng sự dễ tổn thương của Việt Nam cũng chính là nguyên nhân đã kéo các cường quốc vào cuộc cạnh tranh địa chính trị đó. Không phải ngẫu nhiên mà bà Hillary Clinton, khi đó là Ngoại trưởng, đã sử dụng một hội nghị về an ninh châu Á tại Hà Nội năm 2010 để tuyên bố rằng giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông là "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Và đó cũng chính là lý do các cường quốc khu vực đang tập trung quanh chương trình tàu ngầm của Việt Nam. Ấn Độ đang huấn luyện cho các thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam. Các bác sỹ Nhật Bản đang trao đổi kinh nghiệm xử lý ốm do sức ép. Mỹ, với việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương, đang đề xuất giúp Việt Nam tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo trên biển, và điều này sẽ giúp các tàu ngầm trở nên hiệu quả hơn.

Lý do Mỹ tham chiến tại Việt Nam trong thế kỷ trước là "học thuyết Domino" - theo đó Mỹ lo sợ rằng khi Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, thì các nước láng giềng của Việt Nam cũng sẽ theo chân. Giờ đây, một lôgích tương tự cũng đang là động lực để các cường quốc tìm cách hỗ trợ gia tăng sức mạnh phòng ngự của Việt Nam. Tư duy hiện nay là nếu Việt Nam hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, thì việc chống lại Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Về phần mình, Việt Nam biết rằng nước này không thể dựa vào Mỹ, hay bất kỳ một quốc gia nào khác, một khi cuộc xung đột với Trung Quốc nổ ra. Đó là lý do chính mà Việt Nam quyết định mua tàu ngầm. Cũng giống như cuộc chiến với Mỹ trước đây, Việt Nam biết rằng sự phòng ngự tốt nhất nằm ở sự tàng hình và mưu mẹo, và điều này cũng làm gia tăng những nguy cơ đối với vùng biển vốn đã rất nguy hiểm.



Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét