kimluc

Trung Quốc tăng đầu tư quân sự ở Campuchia

Tài trợ đào tạo quân sự, viện trợ vũ khí, tăng cường đầu tư, là những cách Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng quân sự ở Campuchia.


Một cố vấn quân đội Trung Quốc đang gắn quân hàm cho sinh viên tốt nghiệp Campuchia. Ảnh: Reuters.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Tea Bank tham dự lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân đội danh tiếng của Campuchia. Ông trực tiếp nói lời cảm ơn tới một đoàn khách quân đội Trung Quốc.

Học viện Quân đội (AI) thành lập năm 1999, nằm ở tỉnh Kampong Speu, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 80 km, nằm trong kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Các nhà phân tích cho rằng đó là một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.

Phát biểu tại AI, ông Tea ca ngợi các thiết bị "hiện đại" mà Trung Quốc viện trợ cho Campuchia. "Chúng ta biết ơn họ vì đã hiểu cho hoàn cảnh khó khăn hiện nay của chúng ta."

Kể từ năm 2009 đến nay, mỗi năm có khoảng 200 học viên thi đỗ vào chương trình học 4 năm ở AI, do bộ Quốc phòng và các cố vấn Trung Quốc giám sát, dưới sự giảng dạy của giáo viên địa phương. Chương trình cũng bao gồm khóa thực tập 6 tháng bắt buộc ở các học viện quân sự tại Trung Quốc.

Tháng trước, 190 sinh viên khóa thứ 3 đã tốt nghiệp. "Sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào các vị trí quan trọng, kể cả chỉ huy lữ đoàn," một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên cho biết. "Họ nắm giữ các vị trí có thực quyền trong lực lượng chiến đấu."

Ông này nói thêm, Trung Quốc chi trả phần lớn tiền xây dựng và vận hành trường. Ngôi trường cũng nhận khoảng 200 sinh viên mỗi năm theo học khóa ngắn hạn 6 tháng.

Học viện này dường như là phép thử đầu tiên của Trung Quốc nhằm xây dựng các cơ sở quy mô tương tự ở Đông Nam Á, Carl Thayer, chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, Học viện Quốc phòng Australia, cho biết.

"Đối với Trung Quốc, đây là sự khởi đầu của một chiến lược dài hạn, tăng ảnh hưởng trong quân đội Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc còn nắm giữ hồ sơ tình báo cực kì chi tiết về từng người," ông nói.

Ngôi trường phát triển đồng thời với việc gia tăng đáng kể những hợp đồng bán vũ khí Trung Quốc và tăng cường viện trợ quân sự vào Campuchia. Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỉ USD vào kinh tế nước này.

Năm 2013, Campuchia nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua từ khoản vay 195 triệu USD của Trung Quốc. Năm 2014, nước này nhận thêm viện trợ 26 xe tải Trung Quốc và 30.000 bộ quân phục.

AI cũng nhanh chóng mở rộng xây dựng. Kể từ năm 2002 đến nay, hơn 70 tòa nhà đã mọc lên trong khuôn viên rộng 148 ha của trường. Quan chức Bộ Quốc phòng Campuchia từ chối bình luận thông tin này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ "tiếp tục tăng mức hỗ trợ cho học viện, giúp Campuchia nâng cao năng lực giảng dạy và trình độ đào tạo."

"Viện trợ này không đi kèm bất cứ điều kiện chính trị nào, và không làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba", phía Trung Quốc tuyên bố.

Lao Mong Hay, chuyên gia phân tích Campuchia, đánh giá Trung Quốc tăng cường viện trợ nhằm tạo thế cân bằng với ảnh hưởng của các nước khác.

Năm 2014, Washington dành khoảng một triệu USD viện trợ tài chính cho quân đội và công tác huấn luyện binh sĩ ở Campuchia. 12 sĩ quan quân đội Campuchia cũng được đào tạo ở Mỹ về nhân quyền và "nâng cao năng lực hàng hải."

Hồng Hạnh (theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét