kimluc

Thụy Điển: Một đế quốc hùng mạnh, chỉ vì xâm lược Nga mà mất tất cả

400 năm trước, quốc gia Bắc Âu từng là cường quốc quân sự, thậm chí đạt đến tầm của một đế quốc, nhưng một sai lầm khi xâm lược Nga đã khiến tất cả tan thành mây khói.


Trận Polatava giữa Nga và Thụy Điển năm 1709.


Nhắc tới Thụy Điển ngày nay, ai cũng nghĩ tới đồ nội thất IKEA, những vụ án giết người thế kỷ hay chính sách đối ngoại mang thiên hướng trung lập.

Ít người biết rằng cách đây khoảng 400 năm, Thụy Điển nổi lên là đế chế hùng mạnh, một cường quốc quân sự. Điều mà cho đến bây giờ, Thụy Điển không bao giờ có thể lập lại được.

Từng nổi danh là đế chế hùng mạnh

Thụy Điển nổi lên như một cường quốc châu Âu dưới thời Axel Oxenstierna và vua Gustavus Adolphus – người nổi tiếng là một chỉ huy quân sự đại tài. Thụy Điển ban đầu là một quốc gia nghèo, không có nguồn tài nguyên rộng lớn như Pháp hay Nga ở thời kỳ đó.

Vậy nên Gustavus Adolphus đã phải đề ra các hình thức chiến tranh linh hoạt hơn. Trong thời đại mà quân đội, bao gồm cả nông dân và lính đánh thuê được trả lương nghèo nàn, Adolphus vẫn xây dựng được một đội quân thường trực chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.

Quân đội Thụy Điển chủ trương lấy chất lượng bù số lượng, đội hình thay đổi linh hoạt trước những kẻ thù đông đảo nhưng chậm chạp hơn. Giai đoạn thế kỷ 17 cũng là lúc các đội quân trên thế giới dần thay đổi từ kiếm và giáo sang súng và pháo.

Adolphus tỏ ra thức thời khi cho sản xuất hàng loạt vũ khí dùng thuốc súng. Hầu hết các loại pháo trong thời đại này đều có ít khả năng cơ động chiến trường, nhưng nhà vua Thụy Điển đã trang bị cho các đơn vị bộ binh của mình những khẩu pháo cơ động, có thể hỗ trợ binh sĩ trong suốt trận đánh.

Trong cuộc chiến tranh 30 năm (1618-1648), quân đội Thụy Điển tiến sâu xuống phía nam, chạm đến cả Prague, thủ đô CH Czech ngày nay và Vienna, thủ đô Áo ở miền trung châu Âu.

Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất phải kể đến trận Breitenfeld vào tháng 9/1631. 23.000 quân Thụy Điển và 18.000 quân Saxon gần như quét sạch toàn bộ đội quân Đế quốc La Mã Thần thánh với 35.000 người. Ở trận đánh đó, Adolphus chỉ mất 5.500 quân.

Trong trận Lutzen năm 1632, Adolphus đánh bại đội quân Đế quốc La Mã Thần thánh, nhưng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Adolphus sơ hở khi đích thân dẫn quân chiến đấu, bị trúng nhiều phát đạn và cuối cùng là một nhát đâm kết liễu mạng sống. Vị vua vĩ đại nhất của Thụy Điển qua đời khi mới 37 tuổi.

Đóng góp không nhỏ của Adolphus ở thời kỳ đầu giúp Thụy Điển giành chiến thắng cuối cùng vào năm 1648, kiểm soát vùng đất rộng lớn bao gồm cả lãnh thổ Đông Đức và Ba Lan, trở thành cường quốc quân sự ở châu Âu và khu vực Baltic.

Tất cả sụp đổ ở Nga

Để có thể duy trì sự cường thịnh của đế chế, năm 1708, vua Thụy Điển khi đó là Charles XII quyết định mở chiến dịch xâm lược Nga. Chiến dịch kết thúc tạo bước ngoặt lớn cho đế chế Thụy Điển, nhưng là theo chiều ngược lại.

Chiến dịch xâm lược Nga nằm trong cuộc chiến phương Bắc kéo dài từ năm 1700-1721, trong đó Thụy Điển đối đầu với một liên minh do đế quốc Nga đứng đầu.

Giống như cha ông, vua Charles XII nổi tiếng là người cai trị thông minh, hoạt bát, được mệnh danh là “Sư tử phương Bắc”. Nhưng đế quốc Nga khi đó cũng không kém cạnh, do Peter Đại đế nắm quyền. Peter Đại đế là người đưa nước Nga sang một trang mới, từ quốc gia rộng lớn nhưng nghèo khó, trở thành cường quốc châu Âu.

Sự nổi lên của Nga đe dọa lãnh thổ do Thụy Điển kiểm soát ở Đông Âu, đặc biệt là khu vực Baltic. Charles XII chủ động tiến quân trước, tiến vào lãnh thổ Nga năm 1708, bắt đầu chiến dịch chinh phạt lớn nhất trong cuộc đời.

40.000 quân Thụy Điển tham gia chiến dịch tuy không phải là quân số lớn, nhưng đều là những binh sĩ tinh nhuệ. Trong trận đánh ở nơi là Estonia ngày nay, 12.000 quân Thụy Điển đánh tan 37.000 quân Nga.

Nga hoàng Peter Đại đế ra lệnh tàn phá một vùng rộng lớn để Quân đội Thụy Điển không thể thu hoạch được gì bất kể họ tiến quân theo hướng nào. Dọc mọi con đường dẫn từ doanh trại Thụy Điển hướng về bắc, đông hoặc tây, quân Nga tạo một vành đai vườn không nhà trống dài gần 200km.

Charles XII tiến quân đến đâu, quân Nga lại dùng chiến thuật du kích, khiến quân Thụy Điển dần dần bị cô lập, không còn nhận được nhu yếu phẩm tiếp tế.

Năm 1709, đến thời tiết cũng quay lưng với vua Thụy Điển, đó là khi châu Âu trải qua đợt rét nhất trong 500 năm. Vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga vô hình trung biến thành mồ chôn kẻ thù vì giá rét.

Hơn 2.000 binh sĩ Thụy Điển chết rét chỉ trong một đêm. Đến tháng 6/1709, đội quân chinh phạt của Thụy Điển chỉ còn lại 20.000 người và 34 khẩu pháo.

Trong trận quyết định ở nơi ngày nay là Ukraina, Peter Đại đế đem tới 80.000 quân ra nghênh chiến. Ưu thế quá lớn về số lượng và cả tinh thần chiến đấu đã tạo cơ hội để Peter Đại đế đập tan quân Thụy Điển, gây tổn thất tới 19.000 người.

Nga cũng tổn thất nặng nề, nhưng nhờ ưu thế sân nhà nên có thể dễ dàng củng cố lực lượng, còn Charles XII thì không. Kết cục là Charles XII rời Nga với 543 người còn lại.

Thụy Điển cũng mất luôn lãnh thổ ở Baltic và không bao giờ lấy lại được sức mạnh như xưa. Các nhà sử học sau này đều đồng ý rằng, trận Poltava ở Ukraina năm 1709 đã khiến cho “kỷ nguyên đế quốc” của Thụy Điển kết thúc một cách đột ngột. Những năm cuối đời Charles XII điên cuồng chống Nga và chết ở tuổi 36 trong một chiến dịch vào năm 1718.

3 năm sau, vua mới của Thụy Điển buộc phải ký hòa ước Nystad, đồng ý công nhận các vùng lãnh thổ chiếm được trước đây, nay thuộc về Nga, bao gồm vùng Baltic và phía nam Phần Lan.

Theo DÂN VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét