kimluc
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà văn Sơn Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà văn Sơn Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Ðảng “cánh buồm đen” – Sơn Nam

Từ thuở nhỏ, Sáu Bộ theo một người bạn lên núi Cô Tô để học đạo nhưng không có đạo nào quyến rũ anh được lâu dài. Hết đạo Ớt qua tới đạo Ðất; từ giã ông đạo Ðất, anh đến thọ giới tại cốc của ông đạo Nằm. Chán ông đạo Nằm, anh đi lang thang qua núi Dài với ý định cuốc đất làm rẫy. buổi chiều đó, anh ngồi trên phiến đá, mắt đăm đăm nhìn cảnh núi rừng, chợt thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trầm hương từ từ đi lại. Ðoán chừng đó là một trong số trăm ngàn đạo sĩ ở vùng Thất Sơn này, anh không để ý cho lắm. Nhưng ông lão nọ bỗng sừng bước trước mặt anh, nhịp gậy xuống đất ba lần, cười lên ba tiếng lớn mà rằng:

Chim bay về núi tối rồi.

Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?

Anh đứng dậy, chắp tay chào. Ðạo sĩ ung dung nói:

– Chưa nghe lời ta ư? Thời kỳ này là thời kỳ “mạt pháp”… Chim đã bay về núi, trời đã tối.

Anh đáp:

– Con chưa hiểu rõ. Bạch đạo sĩ, “mạt pháp” nghĩa là thế nào? Phải chăn mạt pháp là người Pháp tàn mạt?

Ðạo sĩ gật đầu:

– Khá khen cho con. Hiềm vì con có chí mà thiếu tài. Nghe con nói, bần đạo vui vẻ biết mấy như giữa trưa nắng mà uống được nước Cam lồ. Mạt pháp có nghĩa là thời kỳ giáo pháp suy đồi, đạo đức của tiền nhân không còn được thịnh. Tại vì nhân tâm rối loạn ư? Cũng phải. Tại vì bọn Phù Lang Sa ư? Thậm phải… Con hiểu sai nhưng mà nói đúng.

– Bạch đạo sĩ, đó là chuyện quốc sự của kẻ còn nặng lòng trần tục.

– Nhưng ở đây chúng ta chưa phải là tiên. – đạo sĩ nói.

Ðuối lý, anh cố suy nghĩ để trả lời. Ðạo sĩ nói tiếp:

– Thời buổi mạt pháp nầy chưa có ai thành tiên hoặc gặp tiên được. Ai nói ngược lại tức là dối mình, dối người, dối với non cao, dối với bể rộng… Muốn thành tiên thì phải dày công tu luyện để ngày kia giữ được chức vị cao.

– Bạch đạo sĩ, công tu luyện ấy như thế nào… Chức vị ấy gọi là chi?

Ðạo sĩ nói lớn:

– Gọi là chức vị “chặt đầu Tây”. Con nghe chưa? Con nghe chưa? Xưa kia đức Nguyễn Trung Trực phá Kiên giang. Lúc sa cơ, Người không mảy may úy tử. Trước pháp trường, giặc khuyến dụ trăm điều, hứa ban cho… ôi thôi bao nhiêu là bạc vàng, chức vị! Người cả cười, chỉ xinh thọ lãnh một chức vị: chức nào mà Người có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây.

Giọng đạo sĩ như nghẹn ngào:

– Hỡi ôi! Dũng tướng đã rơi đầu mà lời vàng ngọc nọ mãi rền vang trong lòng người, khắp non cao biển rộng… Chặt đầu Tây! chặt đầu Tây!

Dứt lời, đạo sĩ quay mình. Gió thổi mạnh. Lá rừng cát núi bốc lên xoay tròn mờ mịt như khỏa dấu chân, che dáng hình của đạo sĩ. Anh Sáu Bộ tất tả chạy theo, đôi mắt chóa lòa như vừa sống trong một giấc chiêm bao mầu nhiệm.

– Sư phụ! Cúi xin sư phụ thương con!

Giữa muôn trùng cỏ cây, anh chỉ nghe đá núi vọng lại:

– Chặt đầu Tây! Lời ấy không phải của ta nói. Con nghe không? Lời ấy của trời đất nói.

Thế là năm năm sau, chàng trai trẻ ấy xuống núi. tên Sáu Bộ được sửa lại là Tư Hiền, Tư Hiền chỉ mang theo cây roi dài một thước tám, bằng cây trắc. Với cây roi ấy và đường quờn Lưu Thủy, anh nghiễm nhiên trở thành chúa đảng Cánh Buồm Ðen, hùng cứ từ mũi Cà Mau đến hải phận Hà Tiên.

Sáng tinh sương,. Như thường lệ, Tư Hiền định cho ghe chạy dài theo mé biển. Vừa tách khỏi hòn Tre, gió nam thổi xuôi đưa anh về phía hòn Sơn Rái.

Kìa, một chiếc ghe trôi bềnh bồng theo sóng, lá buồm sụ xuống, cột buồm đứt hết dây chằng. Lập tức anh cập lại đoán có người vừa bị nạn. Trong ghe nọ chỉ thấy một ông lão nằm mê man bất tỉnh. Sau khi được cạy miệng uống hớp nước lạnh, ông tỉnh lại nhìn dáo dác:

– Ông đây là ai?

Tư Hiền đáp:

– Tôi là người đi mò ngọc điệp ở hòn Nhạn.

Ông lão khóc nức nở:

– Ăn cướp đánh tôi. Cha con tôi đi Rạch Giá bán tôm khô, về ngang đây bị nó chận lại giựt hết tiền, bắt luôn con gái; hẹn ba ngày sau đem trả lại.

Tư Hiền nói:

– Nó đi hướng nào? Lâu mau rồi? Tôi bắt tụi bất lương này đem về lập tức cho ông coi.

Tức thời buồm mũi và buồm lái xổ ra. Tay anh siết dây lèo thượng. Ghe phóng nhanh tới. Không mấy chút, đã thấy một đốm đen trước mặt.

anh thét to:

– Tụi bây coi tao!

Chiếc ghe trước vẫn giương hai cánh buồm màu đen chạy ngạo nghễ, khinh thường. Anh cho ghe sát lại, nhảy qua quơ roi đánh mạnh khiến sợi dây chằng ghe nọ phải đứt.

Buồm sụ xuống. Ghe chạy đảo nghiêng gần chìm.

Nghe vù một tiếng, Tư Hiền vội né mình. Biết rằng gặp tay đối thủ lợi hại, anh bình tĩnh chống đỡ. Chợt liếc phía sau, thấy ngọn lao phóng tời, anh lách qua. Ngọn lao đâm trúng bẹ ghe, ghìm sâu vào, tên nọ lỡ trớn té xuống biển.

– Biết ta là ai chưa?

Chưa dứt lời, Tư Hiền đã gài ngọn roi của tên còn lại xuống sạp. Hắn cố sức gỡ lên nhưng không xuể, rốt cuộc đành quì xuống:

– Nói thiệt với ông, tôi là ăn cướp biển. Lâu nay tôi từng gặp nhiều người tài giỏi nhưng chưa ai bằng ông. Tên thiệt tôi là Năm Bùn.

Tư Hiền đáp:

– Tại sao đánh một người già cả, nghèo hơn mình? Con gái của người ta mày giấu ở đâu? Mau trả lại. Ðồ du côn!

Năm Bùn năn nỉ:

– Trăm sự chỉ vì tôi chưa hiểu. Cô đó tôi giấu dưới khoang hầm.

Tư Hiền rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhan sắc khá lộng lẫy của cô nọ. Cô quì xuống lạy tạ ơn. Lập tức, anh bèn đưa cô sang ghe mình. Sau khi nhận lời hứa tái ngộ với Năm Bùn tại hòn Ðá Bạc, anh cho thuyền trở về gặp ông lão nọ.

Ðêm ấy anh ăn cơm ở Rạch Cóc, tại nhà ông lão. Nhơn bữa ăn, anh nhận thấy ông lão có ý tạ ơn mình bằng cách gả con gái cho, nếu anh muốn. Anh viện nhiều lẽ để từ chối. Trước lòng chân thành của gia đình, anh hứa sẽ trỡ về cưới, sau một thời gian hai năm.

– Kim Thoa! Ðừng buồn nghe em. Anh thề chết sống gì cũng trở lại cưới em làm vợ. Bây giờ anh phải ra đi. Anh đi sao thì về vậy…

Từ giã xong. Tư Hiền cho ghe tách bến, nhắm hướng hòn Ðá Bạc đúng theo lời hứa với Năm Bùn.

Thấy ghe của Tư Hiền đến đúng hẹn, Năm Bùn vô cùng mừng rỡ, khâm phục và ra lịnh cho bộ hạ phải nghiêm chỉnh đón chào.

Ðể tỏ lòng thành thật của mình, Tư Hiền đi hai tay không, để cây roi dưới ghe. Chào hỏi xong xuôi anh nhờ Năm Bùn cho bộ hạ lấy roi lên giùm mình. Lúc ăn uống, Tư Hiền ao ước được thưởng thức võ nghệ của đảng Cánh Buồm Ðen. Ðể đáp tạ, anh biễn diễn cho ai nấy xem một đường roi Lưu Thủy đã học được trên núi. Lúc biểu diễn, người ở ngoài tự do ném đá hoặc phóng dao vào thử. Ngọn roi xoay chung quanh mình anh như nước chảy không dứt, không rời, chớp nhoáng như gió…

Kết quả là Năm Bùn sẵn sàng giao đảng Cánh Buồm Ðen cho Tư Hiền làm đảng trưởng. Nhờ vậy đảng được chỉnh đốn lại.

Hằng ngày, các bộ hạ phải luyện tập võ nghệ cho tinh thông, cấm tuyệt không xâm phạm tài sản của người chài lưới ở ven biển. Hai kẻ thù chánh cần đánh đổ không nương tay là đoàn tàu “đoan” của Tây và ghe buôn lậu Hải Nam.

Từ đó về sau, nhiều tin tức mới lạ được làm đầu đề bàn tán cho dân chúng miền duyên hải Rạch Giá, Cà Mau:

– Trời ơi! Hai thằng con trai của ông X. bị ghe Hải Nam bắt, tưởng biệt tích… Ai dè mấy ông Buồm Ðen giựt lại được.

– Sáng hôm qua, có cái chưn vịt tàu của tụi “tàu cáo” để sẵn trên sân chợ. Tây hoảng hồn nhìn ra đó là chưn vịt của chiếc ca nô tuần biển đi mấy bữa rày chưa thấy về.

– Mấy ông Buồm Ðen đốt ghe Hải Nam ở hòn Nhạn. Bên này chết ba, bên kia chết trọn tàu…

Ba năm sau, có tin đảng Cánh Buồm Ðen đã rã.

Người đồn rằng: Chúa đảng vì quá giàu có nên trốn qua Xiêm. Không tán thành ý đó, kẻ khác quả quyết rằng chính mắt mình đã thấy xác chúa đảng trôi tấp vào bãi. Từ sáu tháng nay, đảng Cánh Buồm Ðen là đảng giả mạo.

Gia Ðình của cô Kim Thoa khổ tâm hơn hết. Một đêm lạnh lẽo nọ, có tiếng gõ cửa. Tư Hiền bước vào, ôm ghì lấy người hôn thê:

– Anh phải về, không bao giờ anh làm nghề này nữa.

– Tây tập nã anh, phãi không?

– Số là anh vừa giết oan một người. Tụi ghe Hải Nam lên hòn để mua heo, chừng kéo neo chúng không chịu trả tiền; anh đánh chết năm đứa. Nhưng rủi thay gặp một đứa biết võ nghệ khá cao. Anh đánh roi xuống. Nó đứng trên bãi, đưa roi lên đỡ trúng. Ngặt anh xuống tay mạnh quá, nó lún xuống bùn, ngã lăn trào máu miệng. Lúc hấp hối, nó ngoắc anh lại mà nói: “Tôi không phải chủ ghe. Tôi ở mướn mãn đời, giết tôi mà chi!”. Cảm động quá, anh cúi xuống xin lỗi nó, nó khoát tay anh ra, nói tiếp: “Tôi tha lỗi thì được. Còn vợ con tôi ở Hải Nam cũng đương làm mướn, Làm sao anh xin lỗi được…”

Kim Thoa! Em nghe anh nói lại chưa? Ðây là lần đầu tiên trong đời mà anh đau đớn nhứt. Anh giết oan người ta. Ngọn roi này, anh xuống tay mạnh quá, bị ô uế rồi. Tội nghiệp, chết không nhắm mắt mà ngón tay hắn còn chỉ về phía biển khơi, nơi quê vợ con. Thấy phận người mà nhớ tới phận mình, anh vội về đây.

o0o

tháng hai năm 1946. Có tin: Tây trở lại chiếm gần tới Rạch Giá, chúng đã nhảy dù xuống biên giới Việt Miên gần núi Sam, Châu Ðốc. Dân chúng sục sôi căm hờn tập trung lại ngọn Cái Bắc để bày mưu kế. Có đến trên ba mươi thanh niên tình nguyện đi bắt sống bọn Tây nhảy dù ở xa cách quê nhà hằng hai trăm cây số. Họ thiết lập một bàn thờ Tổ quốc giữa rừng, lấy củi tràm đốt thế cho trầm hương và mượn mặt bất để làm đỉnh đồng. Y phục của họ khác nhau, nhưng giống nhau ở chất vải màu luốc luốc, chứa chấp bao nhiêu rận. Giữa quang cảnh mộc mạc, thiêng liêng đó, người ta thấy một ông lão râu tóc bạc phơ chống cây gậy cao khỏi đầu bước ra.

Ai nấy thầm thì:

– Ông Năm Lập thợ câu của xóm mình!

Ông lão nọ bỗng rưng rưng nước mắt:

– Không! tôi không phải Năm Lập. Tên thiệt của tôi là Sáu Bộ. Có mấy năm đó, tôi lấy danh hiệu Tư Hiền, cầm đầu đảng Cánh Buồm Ðen.

– Trời! Chúa Ðảng là đây sao?

– Nói thiệt với bà con, tôi mai danh ẩn tích. Hôm nay tôi phải ra mặt. Nếu ngồi ì ở nhà, không ai làm gì tôi, nhưng tôi cảm thấy nhục nhã như thiếu món nọ gì đối với trời đất, núi non. Nếu xét tôi có tội, anh em cứ giết tôi để tế cờ. Bằng không thì cho phép tôi truyền lại bí quyết nhiệm mầu của đường Lưu Thuỷ mà thầy tôi dạy hồi năm mươi năm trước. Ðường quờn này ít ai biết lắm, lúc tôi diễn, bà con cứ ném cây, phóng dao vô mà không bao giờ trúng tôi.

Ông đứng thẳng người, hai tay chắp cây roi lên bái tổ rất kính cẩn. Rồi thì vút một tiếng, ngọn roi xoay tròn che lấp thân ông như dải lụa, như nước từ trên thác tuôn xuống chấp chóa. Ðến kẻ ngỗ nghịch nhứt cũng không dám ném cây vào để thí nghiệm như ông cho phép.

Lại một cuộc bàn tán náo nhiệt, vô trật tự:

– Học được đường quờn của ổng, chắc Tây về nước rồi. Thời giờ cấp bách lắm!

– Ði bắt “Tây nhảy dù” chỉ cần thanh niên lanh lẹn. Ông đi không được đâu. Ðể tụi tôi đốn tầm vông vạt nhọn, lẹ hơn…

Giọng ông lão nói ngậm ngùi:

– Không lẽ tôi tự vận. Bà con thương tôi. Nó là cây roi có chức vị “chặt đầu Tây” của tổ sư tôi truyền lại ở núi Dài, năm đó.

– Thôi, lộn xộn quá. Ông cho tôi cây roi này để làm cán mác thì hợp thời hơn, chặt vắn lại vài tấc, đầu kia tra lưỡi mác thông. Có chất sắt thêm vô, ngọn roi của ông mới xài được. Tôi biết là hư cây roi, uổng lắm nhưng ông chịu phiền.

– Ừ. Làm gì thì làm, miễn dùng nó được thì thôi. Thiếu củi nấu cơm, chặt khúc nó mà chụm, lão đây cũng không tiếc. Mấy cháu biết không? Ðây là thời kỳ mạt pháp.

Ðoàn quân ra đi gấp. Làm sao họ có thời giờ để hỏi han ông về một đôi danh từ xa lạ đó? Họ tản ra bốn hướng trời, ít người được trở về xóm cũ. Sau đó vài tháng, giặc vào đốt xém. Ông lão nọ chết vì không chịu tản cư, lưu lại một tình cảm lạ lùng, khó dứt khoát đối với những ai chưa hiểu rõ hoàn cảnh đặc biệt của phần đất Cà Mau tận cùng này.

SƠN NAM
0

Ðảng “cánh buồm đen” – Sơn Nam

Từ thuở nhỏ, Sáu Bộ theo một người bạn lên núi Cô Tô để học đạo nhưng không có đạo nào quyến rũ anh được lâu dài. Hết đạo Ớt qua tới đạo Ðất; từ giã ông đạo Ðất, anh đến thọ giới tại cốc của ông đạo Nằm. Chán ông đạo Nằm, anh đi lang thang qua núi Dài với ý định cuốc đất làm rẫy. buổi chiều đó, anh ngồi trên phiến đá, mắt đăm đăm nhìn cảnh núi rừng, chợt thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trầm hương từ từ đi lại. Ðoán chừng đó là một trong số trăm ngàn đạo sĩ ở vùng Thất Sơn này, anh không để ý cho lắm. Nhưng ông lão nọ bỗng sừng bước trước mặt anh, nhịp gậy xuống đất ba lần, cười lên ba tiếng lớn mà rằng:
0

MÙA LEN TRÂU – Sơn Nam


Mùa “len” trâu

Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về. Từ Sáng đến chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa: ánh nắng pha loãng đều đều không làm chóa mắt kẻ ưu tư đang ngồi hút thuốc mà ngắm mấy lượn sóng chạy dài tiếp lưng trời. Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Ðất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước.

Chú Tư Ðinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến.

– Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết…

Thiếm Tư như phản đối ý chồng:

– Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, ba cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết.

– Mình đừng trách trời. Hồi nào tới giờ, trời cứ vậy hoài, hết mùa hạn thì phải tới mùa nước lụt chớ.

Chú Tư muốn giải nghĩa sự lạc quan của mình dài dòng hơn để thiếm Tư nghe. “Ðàn bà giỏi tài chú ý lặt vặt chuyện bếp núc. Nhìn ra đồng thì họ chỉ thấy những chuyện trên mặt nước, hơi đâu mà cãi”. Nghĩ vậy, chú im lặng, vấn thêm điếu thuốc nữa. Giờ này, dưới đáy nước, sát mặt ruộng, mớ đất cày mềm nhũn, trở mình trắng phau. Gió thổi mạnh, trôi nhà trôi cửa nhưng lúa một tấc; thân lúa đuối sức cố nằm dài trên mặt nước vừa hấp hối ngột thở là nhánh non nứt ra trong nháy mắt để chào đón cuộc sống.

Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách. Chú Tư bước nhè nhẹ trên sàn tay vịn mái nhà, tay che mắt rồi cau mày; thằng Nhi đứa con trai của chú đang cưỡi trâu về.

Ðôi trâu bước lên nền chuồng trâu lúc trước, tuy đã đắp cao thêm gần một thước vậy mà nước leo lên lé đé.

Chú Tư chờ thằng Nhi vào nhà. Nó cổi cái áo ướt mem quăng trên sân:

– Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài.

Chú nói:

– Bên giồng cát Sóc Xoài… Mày có qua tới đó không?

– Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ Ðây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?

– Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu mình họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi…

Thiếm Tư trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như vòng cung. Ðể ở nhà, trâu chết đói; giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo đảm được? Trâu của trăm chủ khác nhau gom lại chung một bầy, tha hồ lấn hiếp, chém lộn bầy trâu gần bốn trăm con mà chỉ có năm sáu người chăn giữ.

Ðường dài thăm thẳm, lội nước băng rừng, rủi khi bịnh hoạn thì trâu đành bỏ mạng nơi xứ lạ quê người. Thật là tấn thối lưỡng nan! Ðôi trâu nhà đứng khúm núm đó, trên nền chuồng, như hai pho tượng bằng đồng đen dựng lên mặt nước. Thiếm nói:

– Ba nó tính sao thì tính. Tôi rối trí quá rồi.

Chú Tư chép miệng:

– Không nên cãi mạng trời. Muốn cãi cũng không được. Không lẽ họ giết trâu mình? Trăm con, chết chừng đôi ba con là nhiều. Muốn vững bụng hơn, mình cho thằng Nhi theo coi chừng.

Thằng Nhi há miệng ngạc nhiên không dè mùa nước năm nay nó lại được đi du lịch bất ngờ như vầy. Chú Tư hỏi:

– Muốn đi không mậy? Chặng đầu, họ mới len trâu tới chân núi Ba Thê, mình đuổi theo nhập bầy còn kịp, đây qua đó chừng nửa ngày đường. Lấy cái nóp mới của tao mà đem theo. Dọc đường muỗi mòng, mưa gió nhớ đi theo sát hai con trâu của mình, đừng ham chơi lêu lổng. Nói với tằn khao (đầu nậu, cai thầu) rằng mình chịu đóng cho y mười giạ lúa tiền công len trâu, mùa này.

&

Mưa cứ mưa trút xuống. Gió cứ dậy sóng lên. Từ lúc thằng Nhi dẫn trâu đi, nhà cửa lần lần trở nên vắng lạnh. Thiếm Tư cằn nhằn:

– Giao sanh mạnh hai con trâu cho họ, ba nó chưa vừa bụng sao? Lại còn bày đặt cho thằng Nhi đi theo! Rủi bề gì…

Chú Tư nói:

– Má nó khéo lo thì thôi! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân . Còn thằng Nhi… dịp này để nó học nghề với người ta.

Thiếm Tư hơi giận:

– Nghề gì? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à? Tôi không ham cái nghề đó.

– Má nó nói giỡn sao chớ! Chăn trâu còn khó hơn diều binh khiển tướng. Ðời xưa, nhiều người nhờ lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự. Tôi nhớ coi… Trong truyện Phong Thần gì đó nhắc cái tích ông Nịnh Thích ngồi trên lưng trâu, gõ sừng mà hát công kích vua đời… Liệt Quốc Ðông Châu! Vua giựt mình, mời ông Nịnh Thích về làm quân sư. Nghe đâu lúc về hưu trí, ông Nịnh Thích lại cữi trâu mà du sơn ngoạn thủy. Như, tiều, canh, mục là bốn điều quan trọng mà.

Thiếm Tư vẫn chưa nguôi cơn buồn:

– Ba nó nói chuyện đời xưa. Chăn trâu theo kiểu ở xứ mình có khác, tối ngày đeo đuôi trâu mà lặn hụp dưới nước, ăn không no, ngủ không yên…

– Nhưng mà học khôn nhiều chuyện. Mà nó hồi nào tới giờ chưa từng tới núi Ba Thê, vậy mà bây giờ thằng Nhi nó rành đó! Cảnh núi non thanh lịch, tâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chùa mà gãi sốn sột. Má nó biết không? Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa… Vua chùa mất hết, trâu đời đời kiếp kiếp còn đứng dửng dưng trên mặt đất này hoài!

Thiếm Tư bực bội:

– Ðói, không đủ cỏ ăn mà cũng sang trọng. Thôi ông ơi! Ðừng nói nữa.

– Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Ðằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm là dễ chớ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn… Mấy ông thầy chùa, bà vãi ẩn mình trong cốc trên núi, chán cảnh trần tục vậy mà họ còn bước ra ngóng mắt theo bầy trâu len dữ dội…

Càng nhắc tới, chú Tư càng thích chí, thiếm Tư trái lại ngồi buốn xo, không tin nơi lời chồng , cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. Chú Tư lại vấn thuốc, hỏi vợ:

– Má nó ngủ hay thức? Nãy giờ có nghe không? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ rối…

– Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chớ nghe bằng miệng sao mà phải ừ hử từng chập?

Chú Tư lại nói tiếp:

– Ở Bảy Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm; lắm thứ cỏ phảng phất mùi gì giống như vị thuốc Bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ thì nhiều… Mặc dầu ăn cỏ ở dưới chân núi, trâu cũng được phong làm chúa sơn lâm. Cọp beo trên núi quì xuống mà đầu hàng chớ không dám xáp lại.

Bên kia sàn nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn giận. “Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng cần gì? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thuở con nhỏ cho riêng mình nghe mà thôi”. Chú lại vấn thuốc hút. Bên ngoài trời vẫn mưa, sóng nước vẫn chạy ùa tới đập vào vách nhà. Khói thuốc phun mờ mờ, bay thoảng lên cao. Chân trời lại hiện ra, lúa nằm dài xanh rờn, nhấp nhô trên ngọn sóng. Và… Ðằng xa kia là Bảy Núi, nơi mà giờ này thằng Nhi và hai con trâu của chú đang tung hoành, sắp lội nước hằng mươi cây số để vượt ra mé biển đến vùng rừng tràm miệt Linh Quỳnh.

Rừng tràm xanh đậm, rọi xuống mặt nước đỏ ngầu, rung rinh. Nhứt là về đêm khi trăng chiếu, đom đóm bay về đậu khắp nhánh tràm như họp chợ phiên! Hồi thuở nhỏ, chú đến đó nhiều lần. Cảnh ấy bây giờ thay đổi vì nhà nước đã đào thêm con kinh Xáng Rạch Giá – Hà Tiên và đắp xong con lộ đá. Trâu vượt qua lộ xe hoặc ngủ tạm trên lộ cho tới sáng. Lội dưới nước lâu ngày, móng trâu trở nên mềm, đứng trên đá, trâu đau chân. Chú Tư bỗng hình dung trước mặt một cảnh tượng oai hùng, khi mặt trời vừa lố dạng, đàn trâu phải rút vào rừng tìm nơi ăn nằm. Nhà nước đắp lộ xe nào phải để cho trâu đứng, phá hoại… Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chút, tràm gãy rôm rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng lớn. Người len trâu tạm nghỉ ngơi vài ngày. Mấy “tay riều” đốn củi gần đó tụ họp lại làm quen, đánh bài cào, uống rượu, đốt lửa lên bàn chuyện tiếu lâm. Lắm khi họ sắp đặt công việc đi ăn cướp, ăn cướp kẻ khác và ăn cướp lẫn nhau. Mấy tay len trâu giựt tiền của tay riều; mấy tay riều xúm nhau giựt trâu của mấy tay len. Rừng lại đẫm máu… Trong cuộc xô xát dao búa đó, sanh mạng của con người như con kiến, hà huống chi đứa trẻ bé bỏng như thằng Nhi, con trai chú!

Chú Tư giựt mình, e ngại.

Trong giấc mơ, có lẽ thiếm Tư không tưởng tượng được tới cảnh chém giết rùng rợn đó. Thiếm nói lảm nhảm rồi lại trở mình, ngáy khò khò.

&

Tháng mười, nước giựt xuống. Ðến cuối tháng, mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời. Mưa dứt sớm. Núi non lại trở nên hùng vĩ. Suốt mùa, lúa nương theo nước mà vươn lên đến bốn năm thước; bây giờ lúa nằm rạp xuống đất, chồng chất cao ngùn ngụt. Cái sàn nhà của chú Tư cũng hạ xuống. Cuộc sống trở lại bình thường.

Ðêm ấy, quá canh ba, có tiếng kêu vang dội:

– Ba ơi ba! Má ơi má! Trâu mình nè…

Chú Tư, thiếm Tư mừng quýnh, tốc mùng chạy ra: Thằng Nhi về đó, coi dị hợm hơn mọi ngày, máng trên vai một đống gì cao nghệu. Chú Tư xanh mặt. Nó thảy đống ấy xuống đất:

– D.m. chết hết một con. Ðem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Ð.m. không lẽ bỏ luôn.

Thiếm Tư mếu máo, mừng vì gặp được con, buồn vì mất hết phân nửa gia sản:

– Mô Phật. Mạnh giỏi hả con? Trời ơi! Con đi theo coi chừng mà làm sao nó chết? Dọc đường con có đau ốm gì không… Con, Con…

Chú Tư im lặng, buồn buồn. Mừng con, tiếc của là một lẽ. Nhưng còn lẽ khác đáng lo ngại hơn… Hồi nào tới giờ, thằng Nhi ăn nói đàng hoàng mà chuyến về này, trong câu nói hồi nãy, nó pha vô hai lần chửi thề mà nó không hay.

Thiếm Tư nhìn cặp sừng và bộ da trâu mà rơi nước mắt:

– Thôi! Lần này lần chót. Năm tới bán con trâu còn lại, không làm ruộng nữa. Ðất nước gì kỳ cục quá, cái xứ này…

Chú Tư nghiêm mặt:

– Nói bậy nữa đi. Ðất của mình, nước của mình mà bà dám nguyền rủa hả? Hồi nào cúng vái, bà nói bà phục ông bà đất nước lắm mà…

Thiếm Tư đi ra sân lo đốt lửa để un trâu. Chú Tư cũng đến vuốt ve con trâu còn lại rồi trở vô thấy thằng Nhi đang chụp gói thuốc rê trên bàn; nó mở ra, xé giấy vấn hút phì phà một cách tự nhiên, ngon lành.

– Ghiền rồi hả mậy? Chú hỏi.

– Hai ba bữa rày, hút có mấy điếu. Ở rừng, họ hút kịch liệt lắm kìa… ba.

Chú Tư đem chai rượu đế ra, rót vào chén. Chú thấy thằnh Nhi hít mũi lia lịa.

– Nhậu thì nhậu một chút cho ấm đi! Cỡ này mày sanh nhiều tật lạ.

Rồi chú day ra sân mỉm cười:

– Bà nó ơi! Coi thằng con của bà nè! Nó giống hệt tôi hồi nhỏ quá chừng.

Thiếm Tư chạy vào, không hiểu rõ đầu đuôi. Thiếm lau nước mắt rồi nấu cơm cho thằng Nhi ăn, dọn mùng cho nó ngủ… Chú Tư thức mãi tới khuya, thỉnh thoảng hé mùng dòm thằng Nhi. Mùng rộng rãi nhưng nó vẫn co rút như hồi nằm trong nóp chật hẹp. Tay và bụng của nó xăm đầy những chữ nho, chữ quốc ngữ. Không cần đọc kỹ, chú đoán đó là “ngũ hồ tứ hải giai huynh đệ” hoặc “ái tình vạn tuế” mà một tay hảo hớn nào đã xăm cho nó.

– Mình không lỗ lã gì đâu! Chú Tư lẩm bẩm một mình.

Chuyến đi len trâu này, đứa con của chú mhiễm nhiều tật xấu nhưng nó khôn lớn hơn, nghe thấy được nhiều việc mà ở nhà chú không nghe thấy. Chú ra sân. Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh lỗ mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.

SƠN NAM

(Hương Rừng Cà Mau)
0

MÙA LEN TRÂU – Sơn Nam


Mùa “len” trâu

Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về. Từ Sáng đến chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa: ánh nắng pha loãng đều đều không làm chóa mắt kẻ ưu tư đang ngồi hút thuốc mà ngắm mấy lượn sóng chạy dài tiếp lưng trời. Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Ðất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước.
0

CÂY HUÊ XÀ - Sơn Nam

Cây huê xà là thứ cây gì? Hình dáng ra sao? Có thiệt hay là bịa đặt? Nó có lợi hay là có hại cho loài người? Bao nhiêu câu hỏi ấy dồn dập, lẩn quẩn trong trí thằng Lợi hằng năm nay mà nó không tài nào trả lời nổi.

Cây huê xà vốn là vị thuốc chánh trong toa thuốc ngừa rắn của ba nó. Nhờ đó mà đi đến đâu người ta dều khâm phục; ba nó nổi danh là thầy Hai Rắn. Ðược nổi danh là một chuyện khó vì lẽ ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, thầy rắn xưa nay cũng nhiều người tài. Họ có thể cứu sống nạn nhơn, bảo đảm trăm phần trăm, nếu người bị cắn không để lâu quá hai giờ đồng hồ.

Họ dùng toàn thuốc Nam dễ kiếm như gừng, cỏ ống, vôi, trầu, nhựa ống điếu, trứng rệp… Họ lại còn dám nuôi trong nhà vài con rắn để bắt chuột. Lúc họ uống nước trà, rắn nằm vắt vẻo trên đòn dông nhà, nhìn xuống gục gặc đầu. Ðêm nào có trăng thì rắn đi ngao du, lên tận trên đọt lá dừa để bắt chim trong ổ hoặc rình mổ mấy con dơi rượt muỗi bay qua chớp nhoáng.

Ba thằng Lợi nổi danh hơn các thầy rắn vừa nói trên. Thuốc của ba nó vò viên sẵn, khỏi tốn thời giờ tìm kiếm. Thuốc ấy mạnh lắm, trừ tuyệt nọc, nghĩa là một hai năm sau đi nựa bịnh nhơn không cảm thấy nhức xương sống mỗi khi lập đông trở về. Phi thường nhứt là có toa thuốc khi thoa vào tay, rắn không bao giờ dám mổ.

Hồi mới xuống rạch Thuồng Luồng này, ba nó đã có lần thí nghiệm cho các thầy rắn trong xóm coi thử.

Ba nó – thầy Hai Rắn – loan tin:

– Tôi có bùa bắt rắn. Bùa này của Phật Thầy Tây An ở núi Sam truyền lại.

Ai nấy phản đối:

– Nói dóc! Chân ướt chân ráo mới tới xứ này mà không để cho người ta thương! Phật Thầy Tây An xưa kia bao giờ làm bùa bắt rắn. Ngài lo giữ mối giềng đạo lý, sao cho ai nấy ăn ngay ở phải, đừng vì tiền tài mà nói dóc với chúng sinh.

Mỉm cười, thầy Hai Rắn mời bà con đúng giờ Thìn sáng mai đến cây thị, trước miễu ông Tà. Cây thị này hồi năm ngoái bị trời đánh tét làm hai. Thiên hạ đồn rằng: Có điềm trời! không vậy sao trong ruột cây có cái bộng đen ngòm. Dưới đáy bộng, một đống đất khô… Ngạc nhiên làm sao! Ðất nhút nhích từng cục, một con rắn hổ ốm nhom vùng ngóc đầu lên cao, phùng mang chồm tới, giống hình cái bàn nạo. Rắn nhìn người chung quanh, hút gió rồi rúc xuống đất vụn để ẩn mình.

Sáng hôm đó, đúng giờ Thìn, thầy Hai Rắn lại gốc cây thị với mọi người. Lấy tay vỗ mạnh vào gốc cây, thầy nói:

– Ông xà ơi! Ra đây nói chuyện chơi.

Ai nấy trố mắt, ngạc nhiên. Có tiếng hút gió như đáp lại rồi từ miệng bộng cây, cái bàn nạo lần lần nhô lên.

Thầy Hai lấy tay vạch vòng tròn dưới đất, vỗ xuống mạnh:

– Tôi muốn mời ông xà lại đây, ngồi trong vòng này với tôi.

Rắn nọ bò xuống, men vào vòng đã vẽ. Thầy xòe tay ra, để cách miệng rắn chừng một tấc mà thét:

– Cắn thử coi!

Rắn không nhúc nhích.

Thầy thét lớn hơn:

– Áp khẩu tay tôi nè! Cắn ngay đó thì tôi chết liền. Tôi đố ông dám cắn!

Ai nấy phập phồng chờ đợi. Rắn cục cựa, thối lui, ngóng mỏ lên cao, day qua day lại. Thầy Hai trợn mắt, đưa tay xít lại gần hơn nữa. Bỗng nhiên, rắn hút gió một tiếng rồi quay mình phóng vào bộng cây, mất dạng.


Thầy đứng dậy, vấn điếu thuốc. Vừa hút phì phà, thầy giảng rằng:

– Chém ruồi ai dụng gươm vàng làm chi! Nói thiệt cho bà con thương, tôi đây cực chẳng đã mới ra nghề. Tôi biết trong số bà con đây có người tài giỏi hơn tôi nhưng giỏi về môn khác. Thứ bùa này ít ai biết… Lúc ban sơ, tôi dùng nhân lực để kêu rắn ra khỏi bộng cây. Kế đó vẽ vòng tròn tức là tôi dùng thần lực. Ðến khi chuyển qua thiên lực, rắn nọ phải chạy trối chết… Nhân lực, thần lực, thiên lực, đó là ba chặng đường mà tôi đã trải qua. Phần đông, bà con mình xưng là thầy nhưng chỉ mới bước tới nhơn lực.

Tài của thầy Hai Rắn, ai lại chẳng phục. Ngặt thầy kiêu hãnh quá nên hôm đó không ai muốn thụ giáo, họ bực tức ra về. Trong số đó có Năm Ðiền là thầy rắn bấy lâu lừng danh ở xóm Thuồng Luồng này. Năm Ðiền cảm thấy bị sỉ nhục. Về nhà chú nằm suốt đêm không ngủ được, tâm trí bận rộn, cố nhớ lại mấy toa thuốc. Chú biết đây là một mưu mô của thầy Hai Rắn. Nhứt định thầy Hai có thoa vào tay một thứ thuốc đặc biệt. Ngửi nhằm mùi đó, rắn chịu không nổi, phải mờ mắt hoặc ê răng mà chạy trốn. Ăn cắp cái toa đó là diệu kế nhứt. Nghĩ vậy, chú sực nhớ tới con Lài, Ðứa con gái khá nhan sắc của chú.

Bấy lâu nay, chú thường để ý: Thằng Lợi, con thầy Hai Rắn, thường bén mảng lại đây để trò chuyện với con Lài.

Năm Ðiền bèn kêu đứa con gái vào:

– Lài à!

– Dạ.

Nhìn trước cửa thấy không có ai, chú nói nhỏ với con:

– Bấy lâu cha sống ở rạch rày cũng là nhờ nghề trị rắn. Bây giờ, thầy Hai Rắn tính đập bể nồi cơm của cha con mình!

Con Lài hỏi, ngây thơ:

– Sao vậy ba, người ta lạ, mới tới…

– Bởi vì nếu trời đã sanh Châu Do thì không có Gia Cát Lượng.

– Gia Cát Lượng là ai vậy ba?

Năm Ðiền đổ quạu:

– Không biết gì hết. Ngu quá! Mày biết thầy Hai Rắn là cha của ai không?

– Dạ… của anh Lợi.

– Thằng Lợi tới lui đây hoài. Ðiều đó ba biết hết. Ba nào cấm cản. Nó nói gì với con…

Con Lài bẽn lẽn:

– Ảnh nói muốn làm quen.

– Ừ! Ba nói thiệt với con, làm thân con gái phải giữ gìn thân thể. Không khéo, lỡ bề gì nhơ nhuốc danh giá giòng họ. Con thương nó thì phải cho ba hay để bắt buộc nó thương con…

Con Lài buột miệng:

– Ðừng … Tội nghiệp người ta.

– Không sao đâu. chiều mai, con rủ nó lại ăn cơm… Sẵn dịp ba mời nó uống rượu, thứ rượu “rắn giao đầu”.

Nghe đến rượu “rắn giao đầu”, con Lài liếc nhìn chai rượu thuốc để trên bàn thờ. Trong chai, ngâm hai con rắn mà ba nó lượm được hồi năm ngoái! Con rắn nước nuốt con rắn trun, có lẽ nuốt không vô nên hai con đều chết. Ba nó lượm đem về ngâm rượu.

Nó hỏi:

– Uống chết không ba? Con sợ quá.

– Gì mà sợ. Rượu đó làm cho trai với gái thương nhau như rắn. Uống vô, thằng Lợi không bao giờ bỏ con được. Trăm sự, nó đều thiệt tình. Con nhớ gạn hỏi nó một điều này mà thôi…

– Ðiều gì ba?

– Cái toa thuốc thoa vô tay mà rắn không cắn của ba nó xài hôm trước, đằng cây thị trước miễu ông Tà: Nhớ hỏi cho kỳ được. Bằng không, ba giết chết cả hai đứa như giết rắn. Từ nay hai đứa bây là hai con rắn… Vì chất rượu này…

o0o

Lá rụng ơi lá rụng!

Từng chiếc lá tràm bay lả tả như bươm bướm mỏi cánh, đáp nhẹ xuống mặt nước từ trong ngọn rạch trôi dài ra.

Con Lài nhìn dòng nước uốn khúc qua voi, qua vịnh như con rắn bò, thứ rắn có khoang màu vàng, con rắn hổ sơn. Nó vụm mặt lại để che cái hình ảnh đó. Nhưng nào được! Kìa chiếc xuồng của thằng Lợi bơi lướt tới, vạch ra hai làn bọt nước lốm đốm trắng như con bạch hoa xà… Lập tức nó xuống bến, bơi theo, mãi đến khi xuồng thằng Lợi ghé bên bờ đìa, kế gốc cây bình bát.

Thằng Lợi day lại cười:

– Ði đâu vậy cô Hai… Rắn bông súng?

Con Lài sực nhìn chiếc áo có bông đang mặc.

Nó e thẹn, liếc thằng Lợi:

– Em giống như con rắn bông súng. Còn anh, áo đen mốc như con rắn hổ đất. Cười em làm chi.

– Rắn đâu dám cười rắn. Nó vừa nói vừa nắm tay con Lài.

Con Lài rút tay ra cho có lệ. Nó bước qua xuồng, nhã vào lòng thằng Lợi.

– Anh à!

– Cái gì đó, hở rắn!

– Thiên hạ thấy, họ cười chết.

– Ai thấy mà cười? Chung quanh đây cái gì cũng là rắn như hai đứa mình. Thí dụ như mấy sợi dây choại, dây bòng bong kia…

Con Lài gật đầu:

– Phải, dây choại, dây bòng bong giống như rắn lục, nó xanh tươi. Còn đám cỏ bồn bồn đằng kia, nó dẹp lép quả thật là rắn lá… Nhánh củi khô, kế đó, anh thấy không anh Lợi?

– Nó là con rắn nẹp nía, da nó xù xì…

– Em suy nghĩ thấy sao kỳ quá, anh à. Rắn có thù oán gì với loài người, cớ sao loài người thù oán rắn. Như dây choại, cỏ bồn bồn, nhánh củi khô rất ích lợi cho con người.

Thằng Lợi vuốt mái tòc con Lài:

– Vậy nên rắn mới buồn bực trong lòng, tụ họp lại. Con rắn này tìm con rắn kia làm bạn với mình cho vui. Rắn với rắn thương nhau lắm.

– Nó có cắn nhau không anh?

– Ðâu có. Mà nó cũng không muốn cắn loài người. Người nào biết điều thì rắn không cắn.

– Biết điều là sao?

– Là biết nói chuyện với rắn. Nói chuyện bằng hơi tay, thí dụ như ba của anh…

Con Lài cố giữ trầm tĩnh, biết rằng nãy giờ nó đã nói chuyện mhảm vì uống rượu rắn giao đầu, nhưng nó nhớ lời ba nó căn dặn…

– Hơi tay của ba anh có gì mà nói chuyện được. Anh có cái hơi đó không? Tay anh đâu rồi.

Thằng Lợi xoa bay rồi đưa trước mặt con Lài?

– Phải có “ngải mọi”. Em biết thứ ngải đó không? Múc bột nó làm bánh ăn ngon lắm. Ăn bánh ngải rồi uống nước chanh. xong xuôi, nằm xuống hút một điếu á phiện với cái dọc tẩu làm bằng sừng “con dinh”.

Con Lài lắng nghe từng tiếng rồi hỏi tiếp:

– Hút á phiện rồi làm gì nữa?

– Rồi thì vợ chồng dắt tay nhau dạo kiểng, ngắm cái bông huê xà…

– Bông huê xà là thứ gì?

– Huê xà là huê xà. Ba của anh nói lại sau rốt.

Con Lài lẩm bẩm:

– Ngải mọi, nước chanh, á phiện, sừng dinh, huê xà. Toa này năm vị. Mình nhớ đủ hết.

o0o

Năm Ðiền với đứa con gái bỗng nhiên chết ngã lăn tại nhà.

Tin đó truyền ra nhanh chóng. Cả rạch Thuồng Luồng, ai nấy chưng hửng. Mấy ông thầy rắn xúm lại khám nghiệm rồi quả quyết:

– Chết vì rắn. Dấu răng rắn hổ. Chắc chắn có rắn hổ nuôi trong nhà, nó phản lại chủ.

Chờ cho thưa khách, thầy Hai Rắn tới, cầm bàn tay của hai nạn nhân nọ mà ngửi. Nước mắt của thầy bỗng dưng tuôn xuống. Chợt nhìn chai rượu thuốc “rắn giao đầu” trên bàn thờ, thầy lắc đầu, thở dài.

Ðêm đó, thầy kêu thằng Lợi ra sân mà nói:

– Mai này cha phải đi. Con ở lại một mình. Cha buồn lắm. Họ dụ dỗ con để khám phá bí mật, cha biết vậy. Nhưng trăm sự cũng vì toa thuốc nọ thiếu cây huê xà nên không linh nghiệm. Cây đó khó kiếm lắm. Cha con Năm Ðiền tưởng là cha nói gạt chớ sự thật nó có: dây đó tròn bằng mút đũa, vằn vện như da rắn. Phải tìm ở chót núi ông Cấm, tìm cả tháng mới gặp một cây. Con Lài chết, có lẽ vì Năm Ðiền không tin con gái nên cho rắn cắn nó trước. Chừng thấy con chết, y buồn quá nên tự tử theo, không muốn chuyện đổ bể ra e mất thể diện với bạn đồng nghề. Nghề rắn nó nghiệt như vậy đó!

Ðêm sau thầy Hai Rắn trốn xóm riềng, trốn đứa con trai mà đi mất.

Còn thằng Lợi ở lại. Tội nghiệp biết chừng nào! Nó nào hiểu tại sao loài người bày đặt ra thuốc rượu “rắn giao đầu” để dụ dỗ lẫn nhau, trong khi cái tình yêu tự nhiên còn keo sơn hơn gấp mấy! Nó không hiểu sở dĩ ngày nay nó cô độc, vắng cha, vắng tình nhân như vậy chỉ vì mối ganh tị giữa hai người đồng nghề là cha nó với cha con Lài.

Nó thơ thẩn như mất hồn, khóc không ra nước mắt mỗi khi ra thăm nấm mộ của người tình xưa, thấy mấy dây rau muống bò lan bên cạnh.

Cây huê xà là gì? Có thiệt hay không? Lắm đêm, nó nằm chiêm bao thấy một thứ dây lốm đốm trắng mọc cheo leo ở chót núi ông Cấm, tiếp với trời xanh. Trên cảnh xa vời không nhơ bợn đó, dây huê xà nhởn nhơ uốn éo với gió núi. Giữa lòng từng chiếc lá, hiển hiện kia trăm ngàn gương mặt của con Lài, tươi tắn, cười riêng với nó, trẻ mãi không già…

SƠN NAM

Nguồn: NXB Trẻ
0

CÂY HUÊ XÀ - Sơn Nam

Cây huê xà là thứ cây gì? Hình dáng ra sao? Có thiệt hay là bịa đặt? Nó có lợi hay là có hại cho loài người? Bao nhiêu câu hỏi ấy dồn dập, lẩn quẩn trong trí thằng Lợi hằng năm nay mà nó không tài nào trả lời nổi.

Cây huê xà vốn là vị thuốc chánh trong toa thuốc ngừa rắn của ba nó. Nhờ đó mà đi đến đâu người ta dều khâm phục; ba nó nổi danh là thầy Hai Rắn. Ðược nổi danh là một chuyện khó vì lẽ ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, thầy rắn xưa nay cũng nhiều người tài. Họ có thể cứu sống nạn nhơn, bảo đảm trăm phần trăm, nếu người bị cắn không để lâu quá hai giờ đồng hồ.
0