Nga đang tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba với vaccine Sputnik V trên ít nhất 2.000 người và chuẩn bị thử nghiệm diện rộng với 40.000 người.
"Đợt thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch và độ an toàn của vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu tại Nga từ tuần sau, với sự tham gia của 40.000 người tình nguyện thuộc những nhóm nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế", Arseniy Palagin, thư ký báo chí Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức hỗ trợ tài chính cho Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến tối 20/8.
Đại diện RDIF thêm rằng thử nghiệm Giai đoạn ba đã được tiến hành trên 2.000 người tại Nga từ ngày 12/8, một ngày sau khi vaccine Sputnik V được Bộ Y tế Nga cấp phép.
Sputnik V do Viện Gameleya phát triển, là vaccine đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia huy động kinh phí và công sức nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vaccine có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới.
Nga, Mỹ và Trung Quốc là những nước dẫn đầu "cuộc chạy đua" sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên. Theo dữ liệu dự thảo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine đang được đánh giá lâm sàng.
Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây cho rằng Nga đã "đốt cháy giai đoạn" trong quá trình phát triển vaccine và cấp phép cho Sputnik V trước khi tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba trên hàng nghìn người.
Thử nghiệm lâm sàng, hay thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô lớn. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định được tiêm vaccine để theo dõi hiệu quả cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
Trước những cáo buộc của các nước phương Tây, các quan chức Nga, trong đó có Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, khẳng định những hoài nghi về vaccine này là vô căn cứ.
"Chúng tôi đã chứng kiến một số quốc gia tiến hành chiến tranh thông tin chống lại Nga, nhưng phần lớn các nước đều muốn tìm hiểu về cơ chế hoạt động của loại vaccine này. Chúng tôi không muốn chính trị hóa vaccine, càng có nhiều loại vaccine thì nhân loại càng được hưởng lợi", giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev nói trong cuộc họp báo hôm nay.
Giới chức Nga cho hay khoảng 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về vaccine Covid-19 của họ, đồng thời Moskva đã nhận được đơn hàng chế tạo khoảng một tỷ liều vaccine.
Tuy nhiên, Aleksander Gintsburg, giám đốc Viện Gameleya, lưu ý vaccine Sputnik V sẽ không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra.
Theo VnExpress