kimluc

Báo Mỹ: Trung Quốc đang triển khai “chiến thuật cờ vây” nguy hiểm trên Biển Đông

ANTĐ - Nhận định về chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông, mới đây, tờ The National Interest (Mỹ) cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đang chơi chiến thuật cờ vây, nhằm mở rộng đất đai theo kiểu bá quyền. Và chính tham vọng của Bắc Kinh thúc đẩy chủ quyền cùng các hành động mở rộng quyền kiểm soát (vô lý, phi pháp) đối với Biển Đông mới thực sự là thách thức chính.

Thắt chặt từng bước, tiến tới khống chế toàn bộ: Một trò hiểm độc

Trong bài bình luận “Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật cờ vây trên biển Đông” của PGS-TS Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Các lăng kính hiện nay thường đặt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông lên bàn cờ tướng hay cờ vua. Nhưng thực tế, Trung Quốc lại đang chơi cờ vây (Weiqi) - một trò chơi đậm chất tư duy người Trung Quốc: Ai kiểm soát hết đất sẽ thắng”. Trong cờ vây chỉ hai loại quân cờ trắng - đen dành cho 2 người chơi. Các quân cờ cùng màu hoàn toàn giống nhau, quyền lực của quân cờ và vị thế thắng - thua của người chơi được quyết định bởi vị trí của quân cờ. Mục tiêu của người chơi là di chuyển những quân cờ, mở rộng và thắt chặt từng bước, tiến tới khống chế toàn bộ bàn cờ.

Mục tiêu của chiến lược này khi Trung Quốc áp dụng trên Biển Đông là để giành quyền kiểm soát các khu vực thông qua việc mở rộng dần dần thay vì các trận đánh lớn. Với việc cải tạo đất, Trung Quốc có thể mở rộng dần vùng lãnh thổ kiểm soát ở Biển Đông.

Theo PGS-TS Alexander Vuving, chiến lược “cờ vây” của Trung Quốc được thực hiện thông qua 3 sách lược lớn.

Một là Trung Quốc né tránh các cuộc xung đột vũ trang càng nhiều càng tốt, chỉ gây xung đột khi muốn tạo “kẽ hở” để lợi dụng một tình thế thuận lợi hoặc chọn thời điểm “động tay động chân” khi thấy xuất hiện khoảng trống quyền lực ở khu vực để ít gây ra các hệ quả về ngoại giao.

Thứ hai, Bắc Kinh tập trung kiểm soát hầu hết vị trí chiến lược ở khu vực, nếu chưa chiếm giữ được thì phải nắm lấy kể cả bằng cách lén lút hoặc kiêu khích gây ra một cuộc xung đột.
Thứ ba là phát triển những vị trí chiến lược được Bắc Kinh chiếm giữ trái phép thành các điểm trọng yếu. Sau đó, biến các địa điểm này thành những trung tâm chuyên trách lĩnh vực hậu cần, hay các căn cứ có khả năng triển khai sức mạnh Bắc Kinh một cách hiệu quả.

Điều này lý giải tại sao thời gian qua Trung Quốc cố gắng triển khai nhiều loại tàu bè, cả quân sự và phi quân sự, cả trên mặt biển và dưới đáy đại dương và cả máy bay có người lái lẫn không người lái đến các khu vực đắc địa để duy trì sự chiếm giữ. Những căn cứ này trong hiện tại, tương lai gần lẫn dài hạn sẽ là nơi hỗ trợ hậu cần cho tàu bè và máy bay mà Trung Quốc triển khai. PGS.TS Alexander Vuving dẫn chứng hành động ngang ngược, phi pháp của chính quyền Bắc Kinh khi chú trọng đẩy mạnh việc “khai hoang” và xây dựng nhiều công trình trái phép ở Trường Sa thời gian gần đây.

Sau hoạt động mà Bắc Kinh gọi là khai hoang hay cải tạo, dự kiến bãi đá Chữ Thập sẽ có đủ sức chứa sân bay; hải cảng cho tàu trọng tải 5.000 tấn; trạm radar; tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa; hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và chiến đấu cơ. Tương tự, từ một bãi cát không người ở cách đây 60 năm, đến nay đảo Phú Lâm đã có tới hơn 1.000 cư dân và quân đội; chứa một sân bay 2.700 m2, cho phép 8 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư cất, hạ cánh cùng lúc; một cảng nước sâu dài 1.000m cho tàu 5.000 tấn neo đậu.

PGS.TS Alexander Vuving tỏ rõ nghi ngại, trong thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành các “bước cờ” như vậy ở các vùng khác trên Biển Đông, nước này có khả năng có một hệ thống các căn cứ mạnh và dày trên Biển Đông, càng có tiềm lực khống chế Biển Đông và không loại trừ tiến hành các bước khống chế cả không gian trên biển. “Bằng các đảo được “hóa phép” đá, Trung Quốc sẽ có tiềm năng hơn bất kỳ nước nào trong việc giành được lợi thế về hải quân ở Biển Đông” - PGS.TS Alexander Vuving kết luận.

Ngày càng lộ rõ âm mưu “độc chiếm biển Đông”

Trong khi đó, trong bài bình luận “Giấc mơ thực sự của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông” của học giả Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nhấn mạnh, nguyên nhân lớn nhất gây ra bất ổn khu vực thực tế chính là tham vọng của Bắc Kinh thúc đẩy chủ quyền cùng các hành động mở rộng quyền kiểm soát (vô lý, phi pháp) đối với Biển Đông.

Học giả Bonnie S. Glaser chỉ ra rõ ràng ông Tập Cận Bình đã khẳng định rằng bảo vệ (cái gọi là) quyền và lợi ích hàng hải hay “kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” là ưu tiên cao, cần được theo đuổi ngay cả khi Bắc Kinh tìm cách giữ ổn định và duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng. Và khi kết luận hội nghị Trung ương 4 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh không nên “từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc hy sinh lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Về việc Trung Quốc, cải tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa, học giả Bonnie S. Glaser cho rằng, động thái này có thể là một công cụ của chiến tranh pháp lý mà Bắc Kinh nhắm đến, mục đích là củng cố tuyên bố của Trung Quốc về quyền hàng hải dựa trên các tính năng họ coi là đảo ở Biển Đông; đồng thời chính quyền Bắc Kinh cũng đang nỗ lực quân sự hóa ở Biển Đông.

Trong một động thái có liên quan, phía Philippines cũng bày tỏ lo ngại: Người ta vẫn nói đến sau cái đó sẽ là cái gì? Một căn cứ hải quân quân sự, một sân bay hay có thể phát triển thành khu kiểm soát hàng không (ADIZ) trên Biển Đông và giành thế chủ động kiểm soát bất hợp pháp toàn bộ vùng biển này? Hành động này của Trung Quốc đang tạo mối lo ngại đối với các nước trong và ngoài khu vực.

Học giả Đức chỉ trích Trung Quốc cố tình tạo mập mờ cho dư luận thế giới

Tại Hội thảo khoa học “Xung đột ở Biển Đông” diễn ra tại trụ sở báo “Die Tageszeitung“ (TAZ) ở Thủ đô Berlin (Đức) tối 9-12, Tiến sỹ Gerhard Will - nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học và Chính trị Đức cho rằng, những diễn biến gần đây như việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa cùng với trước đó là hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm tình hình khu vực gia tăng căng thẳng trở lại.

Chuyên gia này cho rằng, hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như củng cố, mở rộng một số đảo như đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.

Liên quan việc Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường mạnh tiềm lực quốc phòng, đặc biệt với hải quân, Tiến sỹ Will cho rằng điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực cả ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Theo ông, đây là một diễn biến nguy hiểm, có thể dẫn tới mất ổn định và an ninh của khu vực cũng như không có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Andreas Seifert - chuyên gia phân tích quân sự thuộc Hội nghiên cứu quân sự Tuebingen của Đức, cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý xét cả về mặt pháp lý và địa lý, cố tình tạo sự mập mờ cho cả dư luận nước này và dư luận quốc tế. Theo ông, yêu sách của Trung Quốc xuất phát từ một lý do quan trọng là lượng dự trữ dồi dào về dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên biển ở Biển Đông, cũng như vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông nằm trên tuyến huyết mạch của hàng hải quốc tế.

Theo ông Seifer, các quốc gia láng giếng cũng cần hết sức cảnh giác với ý đồ về đường 9 chín đoạn và chiến thuật xây dựng, củng cố các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét