kimluc

Những tiết lộ mới về chiến dịch đánh quân Thanh của hoàng đế Quang Trung

Những gì đã viết, đã ghi nhận còn rất nhiều lỗ hổng khiến đời sau không hoặc hiểu không hết về vị vua bách chiến bách thắng Quang Trung – Nguyễn Huệ


Những điều này nằm trong cuốn Việt – Thanh chiến dịch của tiến sĩ Nguyễn Duy Chính được Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành năm 2016.

Lâu nay, Phong trào Tây Sơn lịch sử chúng ta đã viết khá nhiều. Đặc biệt là chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi Việt Nam năm Kỷ Dậu 1789, một chiến thắng đã khiến cho kẻ thù e sợ.

Nhiều điều chưa biết

Thế nhưng, những gì đã viết, đã ghi nhận còn rất nhiều lỗ hổng khiến đời sau không hoặc hiểu không hết về vị vua bách chiến bách thắng nầy.

Những câu hỏi như quân đội Tây Sơn gồm những ai? Làm thế nào để Tây Sơn có một đội thủy quân mạnh? Các vị tướng của Quang Trung như các Đô đốc Lộc, Thủ, Tuyết, Thái sư Bảo… vì sao không có tiểu sử? Cách tiến quân thần tốc của Tây Sơn? Các phương tiện vận chuyển, vũ khí sử dụng, lương thực mang theo của quân Tây Sơn… vẫn chưa có lời giải thích hợp lý.

Và hầu hết những điều này được giải thích rõ hơn trong Việt – Thanh chiến dịch.

Việt – Thanh chiến dịch cho người đọc biết lực lượng của Tây Sơn là “đa tạp không thuần nhất” bao gồm “binh sĩ các vùng Thuận Hóa và Quảng Nam ở Đàng Trong, trong đó có một số đông người Thượng và người Hoa”.

Để bảo đảm đội binh nầy chiến đấu tốt và tuân lệnh chỉ huy tuyệt đối, Tây Sơn đã “áp dụng kỷ luật thép”.

Trước khi lên ngôi hoàng đế, vua Quang Trung đã công bố một sắc lệnh nói rõ rằng “nếu một sĩ quan hay binh lính nào phạm tội gì, các quan văn võ sẽ họp lại để xử họ và nếu họ đáng bị xử tử họ sẽ bị kết án tử hình”, đặc biệt là trường hợp “trốn bổn phận” sẽ bị “xử tử tức thì”.

Quân Tây Sơn sử dụng màu đỏ tía trong áo mặc và chỏm mũ. Quân đội gồm có bộ binh, tượng binh, thượng binh, thủy binh. Bộ binh chủ yếu là “thân binh Thuận Quảng” trang bị tối tân, rất kỷ luật gồm người Thuận Hóa, Quảng Nam, người Thượng và người Hoa.

Thượng binh hầu hết là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Lào, Campuchia. Tượng binh đội binh quan trọng nhứt của Tây Sơn dùng để chở đại bác loại nhỏ, vũ khí, lương thực cũng do người dân tộc thiểu số điều khiển. Thủy binh bao gồm các ngư dân nghèo sống ven biển và hải khấu người Hoa.

“Đối với đám hải khấu lẻ tẻ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ (Quang Trung) được gọi là Đại Ca Việt Nam…”.

Đây là lực lượng đông đảo gồm hàng ngàn chiến thuyền, hàng vạn chiến binh có sẵn và sẵn sàng tham gia chiến đấu khi có lệnh.

Đủ loại vũ khí

Ngay khi mới khởi nghĩa, Tây Sơn đã sử dụng thương nhân Hoa kiều là Tập Đình và Lý Tài chiêu mộ một số người Hoa tổ chức thành Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân.

Sử nhà Nguyễn chép “Lại lấy người thổ trước cao lớn, cạo đầu dóc tóc, lẫn lộn với người Thanh. Lúc đánh thì cho uống rượu say, cởi trần, đeo giấy vàng, giấy bạc vào cổ, để tỏ ý là tất chết; thường làm quân tiến xung, quan quân không thể chống được…”.

Một nhân vật được đề cập là Trần Thiêm Bảo. Nguyên Bảo làm nghề đánh cá ở Liêm Châu, Quảng Đông cùng vợ và hai con trai. Năm 1780 thuyền bị bão trôi dạt xuống phương Nam nên ở luôn tại khu vực gần Thăng Long.

Năm 1783, Bảo tham gia Tây Sơn và được phong chức Tổng binh, sau có nhiều công trạng được phong làm Bảo Đức Hầu, dưới tay có sáu chiến thuyền, chỉ huy một đạo quân trong đó có 200 người Việt.

Bảo còn chiêu tập được tất cả các nhóm hoạt động trong vùng biển Đông và vịnh Bắc Việt xây dựng cho Nguyễn Huệ một lực lượng thủy binh đáng kể.

Về vũ khí, Tây Sơn có đủ loại vũ khí từ dao mác bình thường, trong đó có loại đao dài, lưỡi đao dài bằng cán đao (có lẽ là một loại mác ngày nay vẫn còn được dân chúng vùng đồng bằng sông Cửu Long sử dụng), súng, hỏa hổ, hỏa cẩu, hỏa long (các loại súng phun lửa), đại bác, tiểu pháo và thuốc nổ.

Trong số nầy, hỏa hổ là loại vũ khí đặc trưng của Tây Sơn. Nguyễn Huy Túc, trong một tờ biểu đã miêu tả hỏa hổ:

“Tháng sáu năm thứ 51 (Bính Ngọ 1786), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng, còn có tên là hỏa hổ, có bầu lớn, dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy, có cả hỏa pháo nhưng không nhiều”.

Trong 10 điều quân lệnh của Tôn Sĩ Nghị cũng ghi nhận: “Người An Nam có một loại võ khí đặc biệt gọi là hỏa tiễn. Họ dùng một loại súng có nòng dài chừng hai tấc rưỡi. Họ nhồi thuốc súng chia thành ba phần, sau đó dùng cây thụt phần thứ nhất và phần thứ hai riêng rẽ xuống nòng súng, đóng chặt mỗi phần vài trăm lần.

Phần thuốc nổ còn lại nhét vào đầu bằng sắt của một mũi tên cắm vào nòng súng. Bước kế tiếp là nhét một sợi tre khô vào trong hộp súng có dây dẫn lửa nối vào. Khi bùi nhùi được đốt lên, mũi tên bén lửa và bay ra. Mục tiêu của chúng là đốt cháy quần áo các ngươi…

Một loại võ khí đặc biệt khác của người An Nam là hỏa cẩu. Đó là một khối kim khí rỗng ruột nhét đầy thuốc súng và miểng sắt cùng lưu huỳnh, trên đầu có ngòi truyền ra. Lính của chúng sẽ đốt ngòi nổ và ném về phía ta, nếu thấy hỏa cẩu thì chỉ cần né tránh là không việc gì cả”.

Theo miêu tả, hỏa cẩu có thể là một dạng lựu đạn!

Lương thực là bánh tráng

Việt Thanh chiến dịch cũng cho biết lương thực của quân Tây Sơn mang theo khi tham gia chiến dịch là “bánh tráng” (có thể có cả bánh tét nữa).

Và quân được điều động, chỉ huy bằng tiếng trống, do đó mà khi Tây Sơn ra Bắc đã “cấm dân đánh trống”. Tiếng trống ở miền Bắc chỉ được nổi lên khi quân Thanh tiến vào Thăng Long!

Trong các trận đánh tiến vào Thăng Long năm Kỷ Dậu 1789 của Quang Trung cũng không “suôn sẻ” như sử ta kể lâu nay.

Cái tài của Quang Trung là đã thấy trước việc quân Thanh sẽ vào nước ta từ sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh bị diệt.

Và khi quân địch ồn ào kéo vào nước ta thì ông khéo léo dụ địch bằng cách “giả bộ thua” và còn tương kế tựu kế nhiều lần “gởi thơ nhận tội” để địch tưởng rằng chỉ một hai trận nữa là diệt được Tây Sơn.

Trong khi đó thì ông âm thầm chuẩn bị thế trận. Tình hình quân Thanh ở Thăng Long thì Quang Trung nắm rõ như lòng bàn tay.

Trong một báo cáo, Trần Nguyên Nhiếp, một đô ty trong quân Tôn Sĩ Nghị ghi lại: “Ngờ đâu Nguyễn nghịch quỷ quyệt nên đã sắp đặt gian tế khắp nơi, lẻn vào đại doanh thám thính hư thực… Những nơi chứa lương hướng, hỏa khí của ta đều có tai mắt của giặc”.

Bắt đầu tấn công vào ngày 29 tháng chạp (24-1-1789), ngày 30 tháng chạp Tây Sơn vượt sông Giản Thủy đánh tan quân nhà Lê Hoàng Phùng Nghĩa rồi thẳng tiến hướng về Thăng Long.

Ngày mùng 3 tháng giêng, vua Quang Trung tự mình đốc chiến và đánh suốt ngày mới diệt được Hà Hồi, thiệt hại cũng lớn.

Ngày mùng 5 tháng giêng trận Ngọc Hồi cũng diễn ra ác liệt, theo tài liệu của Hội truyền giáo Bắc Hà, “Nguyễn Huệ phải bỏ voi cưỡi ngựa, xông lên đầu chỉ huy”.

Trần Nguyên Nhiếp viết: “Nghe nói đại doanh đã bị trận voi xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng đủ chỗ cho ba bốn tên giặc đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hỏa cẩu vào mọi nơi để đốt người”.

Còn trong trận Đống Đa do Sầm Nghi Đống và toán quân Miêu rất thiện chiến chống giữ rất hăng nhưng cũng không ngăn được đà tiến quân. Và cũng trong ngày mùng 5, Thăng Long bị “các cánh tượng binh và thủy binh của Nam quân từ ba mặt kéo vây” khiến Tôn Sĩ Nghị phải bỏ chạy.

Trần Nguyên Nhiếp ghi: “Đến được bờ sông, đại binh tranh nhau vượt qua. Cầu nổi làm bằng tre và gỗ bắc ngang sông đã bị đứt chìm xuống nước, lại thêm số nhân mã bị tượng trận đốt cháy chết chồng thêm lên một tầng nữa đè cầu xuống. Người đi qua chân đạp lên xác người ở bên dưới, chỉ còn đầu trồi lên phải đến ba dặm mới qua được bờ bên kia”.

Nguyễn Duy Chính đã bỏ ra 10 năm để nghiên cứu tài liệu về Tây Sơn và vua Quang Trung. Ông sử dụng tài liệu ở nước ngoài bằng Hoa, Pháp và Anh văn phối hợp cùng các tài liệu hoặc những phát hiện của người trong nước để xác định còn rất nhiều điều về thời đại nầy chưa được nói rõ ràng.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét