kimluc

Trung Quốc bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông

TTO - Chi tiết về vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) của Trung Quốc ngày 1-7 bắt đầu được hé lộ. Phần lớn chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã bắn tên lửa từ đất liền chứ không phải các thực thể nhân tạo trên biển.


Hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh CM-401 của Trung Quốc được giới thiệu lần đầu hồi năm ngoái - Ảnh: REUTERS

Thông tin về vụ bắn thử xuất hiện đầu tiên trên Đài CNBC của Mỹ ngày 2-7 với nguồn tin là "các sĩ quan am hiểu vấn đề". Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó lên tiếng xác nhận Bắc Kinh đã bắn các tên lửa "từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông".

"Điều đáng lo ngại thực sự là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại chính các cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các thực thể này", người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn khi đó nhấn mạnh.

Đài NHK của Nhật sau đó dẫn lời một sĩ quan giấu tên tiết lộ Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa ASBM từ đất liền ra Biển Đông. Các tên lửa sau đó đánh trúng hai mục tiêu giả định trên biển. Tuy nhiên, danh tính của loại tên lửa này vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Trang Naval News dẫn các nguồn thạo tin ngày 15-7 cũng nói Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông trong cuộc tập trận bắn đạn thật vừa rồi.

Các suy đoán xoay quanh 3 loại tên lửa đạn đạo chống hạm hiện có trong biên chế Trung Quốc là DF-16, DF-21D và DF-26C.

Giới quan sát đồng ý cho rằng động thái của Trung Quốc là sự leo thang căng thẳng và mang tính dằn mặt chưa từng có. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc.


Khu vực Trung Quốc phát cảnh báo cấm tàu thuyền qua lại trên Biển Đông trong thời gian tập trận - Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc Trung Quốc đã bắn các tên lửa ABSM từ đảo nhân tạo có lỗ hổng và chưa đủ sức thuyết phục.

Việc triển khai các xe phóng tên lửa tự hành (TEL) ra các thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông là bước đi thiếu tính toán chiến lược. Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện là thực thể nhân tạo lớn nhất bị Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp.

Mục đích của việc đưa các tên lửa lên xe phóng là để sau khi khai hỏa có thể nhanh chóng rời trận địa và ẩn nấp, tăng độ sống sót nếu xảy ra chiến sự. Dù có diện tích lên tới 5,52km2, các phương tiện TEL gần như không có chỗ nấp trên đá Xu Bi và dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xảy ra chiến sự.

Điều này hoàn toàn khác với đất liền, nơi các xe TEL có thể di chuyển trên các con đường và tỏa ra nhiều nơi để nấp trong các hầm ngầm, công sự bí mật.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc triển khai các tên lửa ASBM ra Trường Sa cũng không làm tăng thêm hiệu quả chiến thuật. Bởi nếu Trung Quốc muốn răn đe các tàu sân bay và tàu chiến Mỹ, triển khai ASBM ở đảo Hải Nam hay các tỉnh ven biển phía nam là đủ.

Tuy nhiên, bất lợi của việc triển khai sát bờ biển là các tên lửa của Trung Quốc có thể bị tên lửa SM-6 của Mỹ bắn hạ ngay trong giai đoạn lấy độ cao. Để khắc phục điều này, Bắc Kinh đã di chuyển các ASBM vào sâu trong đất liền từ tháng 1 năm nay.

Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét