kimluc
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đông Nam Á. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đông Nam Á. Hiển thị tất cả bài đăng

Trung Quốc có thể đã bí mật ký thỏa thuận dùng căn cứ hải quân Campuchia

Báo Mỹ cho biết thỏa thuận được ký đầu năm cho phép Trung Quốc bố trí lực lượng hải quân thường xuyên ở Campuchia trong 30 năm.


Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh: Khmer Times.


Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 21/7 dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên của Mỹ và đồng minh cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh hồi đầu năm đã bí mật ký một thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan.

Theo dự thảo mà quan chức Mỹ có được, Trung Quốc sẽ có thể bố trí quân nhân, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ Ream, biến nơi đây thành cơ sở bố trí hải quân chuyên dụng đầu tiên của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.

Thỏa thuận có giá trị trong 30 năm và được tự động gia hạn sau mỗi 10 năm. Bài báo cho hay quan chức Mỹ đang tranh luận về khả năng liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định hay không.

Thông tin được đưa ra sau khi các đối tác và đồng minh của Mỹ kêu gọi Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay do công ty tư nhân Trung Quốc đang xây dựng tại Dara Sakor với hợp đồng thuê 99 năm trên đất Campuchia. Hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay hiện có đường băng dài hơn 3 km, có thể cho phép máy bay quân sự Trung Quốc cất hạ cánh.

Tuy nhiên, Phay Siphan, phát ngôn viên của chính phủ Campuchia nói rằng thông tin về thỏa thuận là "giả". "Chẳng có chuyện gì như thế xảy ra cả", ông nói.

Emily Zeeberg, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, nói rằng Washington "lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia để mời gọi sự hiện diện quân đội nước ngoài" ở nước này sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định khu vực.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á Joseph Felter tháng trước yêu cầu Campuchia giải thích lý do từ chối đề xuất của Washington về việc hỗ trợ cải tạo căn cứ hải quân Ream. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sau đó cho biết nước này đã giải thích với Mỹ rằng sự hỗ trợ như Washington đề xuất là không cần thiết bởi Campuchia đã lên kế hoạch chuyển căn cứ hải quân Ream tới khu vực khác.

Căn cứ Ream do hải quân Campuchia vận hành trên bờ biển vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Sihanoukville ở tây nam nước này. Quân đội Mỹ và Campuchia từng tiến hành một số cuộc diễn tập chung ở căn cứ này trước khi quan hệ quốc phòng giữa hai nước trở nên nguội lạnh, trong bối cảnh Phnom Penh xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Ngoài các khoản viện trợ quân sự, Bắc Kinh trong năm 2017 đã hỗ trợ Phnom Penh 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng hai lần tổ chức diễn tập chung với Trung Quốc. Quân đội hai nước năm nay cũng tổ chức tập trận "Rồng Vàng" với quy mô lớn để tăng cường hợp tác song phương.


Vị trí căn cứ hải quân Ream và sân bay quốc tế Dara Sakor. Đồ họa: WSJ.

Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)/ VnExpress
0

Trung Quốc có thể đã bí mật ký thỏa thuận dùng căn cứ hải quân Campuchia

Báo Mỹ cho biết thỏa thuận được ký đầu năm cho phép Trung Quốc bố trí lực lượng hải quân thường xuyên ở Campuchia trong 30 năm.


Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh: Khmer Times.
0

Sức mạnh mềm Trung Quốc tại Đông Nam Á

(Baodatviet) Chúng tôi xin lược dịch bài viết về quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật của Trung Quốc với một số nước ASEAN, lập trường của Nga về Biển Đông


Trung Quốc đã triển khai lực lượng quân sự trên một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh: www.navy.mil

LTS: Bài viết của Phó giám đốc Trung tâm phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga Aleksandr Khramchikhin đăng trên báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 20/7/2018. Cách khai thác vấn đề và quan điểm địa chính trị khu vực là riêng của tác giả nên có thể nó sẽ gây nên những cuộc tranh luận nho nhỏ, thú vị.

Nếu so với tình hình đang rất nóng ở Trung Cận Đông, Ucraine, Bán đảo Triều Tiên,- thì khu vực Đông Nam Á và phần Tây Nam Châu Đại Dương phụ cận trông có vẻ như đang là một khu vực yên bình, nhưng:

TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG

Điểm nóng xung đột địa chính trị nổi bật nhất tại khu vực này vào thời điểm hiện tại - đó là tranh chấp các đảo và mặt nước Biển Đông.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) tuy không đưa ra được bất cứ một bằng chứng có sức thuyết phục nào nhưng lại khăng khăng đòi chủ quyền đối với toàn bộ mặt nước Biển này (trừ vùng lãnh hải của các nước ven Biển Đông) và tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, còn đối với Trường Sa thì ngoài Việt Nam còn có thêm Philippines, Malaixia, Bruney và Đài Loan (trong vai “người đóng thế” của Trung Quốc”).

Đến thời điểm hiện tại Bắc Kinh đã xây dựng trên một số đảo của hai quần đảo trên các điểm dân cư (thường là các điểm dân cư giả) và các công trình quân sự (trước hết - cho không quân và phòng không) với tính toán rằng bằng cách đó có thể hợp pháp hóa quyền chiếm hữu các đảo đó.

Tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa, - đó là với căn cứ quân sự Tây Sa (theo cách gọi của Bắc Kinh). Trung Quốc cũng đã cho xây dựng các công trình cảng biển, đường băng cất hạ cánh máy bay và các trận địa tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.

Còn trên một số đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, họ cũng đã triển khai xong một số cứ điểm quân sự trên rạn san hô Đảo Đá Chữ Thập (Fiery Reef) và các đảo khác.

Mặc dù những đảo (rạn san hô) đó có diện tích rất nhỏ, Trung Quốc vẫn cho xây dựng trên các đảo đó nhiều kiểu công trình khác nhau,- các đường băng cất hạ cánh, bãi đỗ máy bay lên thẳng, trạm khí tượng, kho chứa nhiên liệu và đạn dược, trận địa tên lửa phòng không và v.v.

QUAN HỆ QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT CỦA BẮC KINH TẠI KHU VỰC

Hiện nay, tiềm lực của Các lực lượng vũ trang (Quân đội) Trung Quốc (chưa tính tới tiềm lực vũ khí hạt nhân) cũng đã vượt nhiều lần tiềm lực quân sự của tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cộng lại. Trong lĩnh vực kinh tế, tình hình cũng tương tự như vậy.

Dĩ nhiên, các nước ASEAN cực kỳ quan ngại trước một Trung Hoa “trỗi dậy” nhanh chóng cùng các tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ. Còn về phần mình, Bắc Kinh cố “làm yên lòng” các láng giềng phía Nam của mình bằng cách củng cố tối đa quan hệ kinh tế với những nước này.

Ngoài quan hệ kinh tế, quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật (của Trung Quốc) với các nước trong khu vực cũng được đẩy mạnh,- và mối quan hệ hợp tác quân sự này là một chỉ thị kế hiển thị rất rõ mức độ gần gũi về chính trị giữa Trung Quốc với nước này hay nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Mối quan hệ “gần gũi” nhất (của Trung Quốc) tại khu vực này (ASEAN) – đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc với Thái Lan và Trung Quốc với Myanmar.

Mối tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Băng Cốc được “khởi nguồn” từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Từ thời điểm đó, quốc gia được coi là “thành viên không chính thức thứ 16 của NATO này (tức Trung Quốc) đã cung cấp cho Băng Cốc hơn 50 xe tăng “Type 69”, 450 xe BTR (xe vận tải bọc thép) “Type 85”, hơn 50 khẩu pháo 130 ly “Type 59-1”( bản sao pháo Xô Viết M-46), một số lượng lớn (không có số liệu cụ thể) tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5.

Trong những năm 90 sau đó, nhịp độ hợp tác quân sự với Thái Lan có phần nào chững lại. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian đó Băng Cốc vẫn nhận được từ Bắc Kinh hơn 100 khẩu pháo phòng không, 4 khinh hạm kiểu “Jianghu” (“Type 053HT”- âm Hán Việt hình như là “Giang hộ” – nếu không chuẩn xin bạn đọc chỉ giáo, tên Thái là “Chao Phraya”) mang tên lửa chống hạm C-801 và 2 khinh hạm kiểu “Naresuan” đóng tại Trung Quốc nhưng khi sang đến Thái Lan lại được trang bị các vũ khí Mỹ, trong đó có tên lửa chống hạm “Harpoon”.

Bước sang thế kỷ XXI, hợp tác quân sự- kỹ thuật giữa hai nước Trung-Thái lại có bước tiến vượt bậc. Thái Lan mua của CHNDTH 4 tàu hộ vệ và các cơ số đạn tên lửa chống hạm C-802 kèm theo, các hệ thống pháo phản lực phóng dàn SR-4, tổ hợp tên lửa phòng không KS-1, các xe tăng VT-4 (phiên bản xuất khẩu của xe tăng Trung Quốc “Type 96”).

Trung Quốc cũng đã cấp giấy phép cho Thái Lan sản xuất loại pháo phản lực phóng giàn (loạt) mạnh nhất trên thế giới WS-1(tên gọi tiếng Thái là DTi-1) trên lãnh thổ nước này. Theo kế hoạch thì sắp tới Thái Lan sẽ sắm của Trung Quốc thêm một lô tăng VT-4 (không rõ số lượng), không ít hơn 30 BTR (xe vận tải bọc thép) “Type 07” và những chiếc tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Hải quân Thái (có thể là 3 tàu ngầm).

Ngoài ra, Các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Thái Lan năm nào cũng tiến hành các cuộc tập trận chung với quy mô và bài tập khác nhau.


Tập trận chung của Các lực lượng vũ trang Trung Quốc với các nước khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: www.dvidshub.net

Lịch sử tình hữu nghị Trung Quốc và Myanmar có hơi khác (so với quan hệ Trung-Thái) một chút. Đến cuối những năm 1980, Quân đội Myanma chỉ có trong trang bị kiểu xe tăng duy nhất là xe tăng “Cometa” của Anh sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai với số lượng không đến 30 chiếc, một số khẩu pháo cũng ra lò từ thời Thế chiến hai là M101 của Mỹ (100 khẩu).

Vào thời gian đó, Myanma không có máy bay và máy bay lên thẳng, Hải quân nước này chỉ có 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ do Nam Tư và Đan Mạch sản xuất. Trong khi đó, Quân đội Myanma có quân số rất đông và thường xuyên phải tiến hành các chiến dịch liên miên và vô vọng chống các nhóm ly khai và băng đảng ma túy.

Trong năm 1988, giới quân sự Myanmar lên nắm quyền.Thế giới Phương Tây phản ứng bằng cách quay lưng lại với nước này và ngay sau đó đã diễn ra tiến trình “xích lại gần nhau thần tốc” giữa Yangon với Bắc Kinh.

Trong nửa những năm 90, Trung Quốc giúp “đổi mới” toàn bộ lực lượng tăng- thiết giáp của Quân đội Myanmar, cung cấp cho nước này tới 80 xe tăng “Type 69” hơn 100 xe tăng hạng nhẹ “Type-63”, 250 BTR “Type 85”.

Trung Quốc cũng chuyển giao không ít hơn 30 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt xe kéo 107 ly “Type 63”, 24 khẩu pháo phòng không 37 ly “Type 74”, gần 200 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5A.

Trung Quốc “hỗ trợ” Myanma xây dựng gần như từ đầu một lực lượng không quân “quy chuẩn” bằng cách bán rẻ cho Myanmar 24 máy bay cường kích Q-3, 36 máy bay tiêm kích J-7, 12 máy bay vận tải, nhiều loại vũ khí hàng không. Còn đối với hải quân Myanmar- Trung Quốc thân tặng 6 tàu mang tên lửa và 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Trung Quốc cung cấp ngày càng nhiều phương tiện kỹ thuật quân sự cho Myanmar.

Nước này đã tiếp nhận từ Trung Quốc 50 xe tăng hiện đại “Type 90-2” (là một trong những phiên bản xuất khẩu của xe tăng “Type 96” Trung Quốc), 200 xe BMP (xe chiến đấu bộ binh) nhiều kiểu khác nhau, đến 50 tổ hợp pháo tự hành và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 4 đại đội (cơ số) tổ hợp tên lửa phòng không KS-1A, đến 60 máy bay huấn luyện K-8, 12 máy bay không người lái tấn công (UAV) CH-3, 2 khinh hạm “Type 053TH”.

Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển giao cho Myanmar các máy bay tiêm kích Trung Quốc hiện đại JF-17 (những máy bay này được sản xuất theo giấy phép của Trung Quốc tại Paksitan).

Ngoài ra, PLA bố trí 3 trạm (cơ sở) đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân Trung Quốc. Cảng Kyaukpyu Myanmar là một đầu mối vận chuyển dầu cực kỳ quan trọng ,- Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu nối cảng này với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt nối cảng Kyaukpyu với tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Cảng Kyaukpyu còn là một đầu mối cung cấp lương thực, nước sạch và nhiên liệu- dầu mỡ cho các tàu Hải quân PLA. Ngoài cảng Kyaukpyu, Trung Quốc còn sử dụng các cảng Yangun và Sittwe của Myanmar làm cơ sở đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân PLA.

Hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một trung tâm điện tử rất lớn trên Quần đào Coco của Myanmar. Trung tâm này có chức năng dẫn đường cho các tàu ngầm, giám sát radar tình huống trên mặt nước, đảm bảo liên lạc, tiến hành trinh sát và tác chiến điện tử.

Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống đường ống kéo dài từ bờ biển phía Nam Myanmar lên biên giới với Trung Quốc để chuyển dầu mỏ và khi đốt được vận chuyển bằng tàu biển từ Trung Đông và Châu Phi tới (làm như vậy để các tàu chở dầu mỏ- khí đốt Trung Quốc không phải đi qua eo biển Malacca).

Nhưng song song với sự “giúp đỡ” trên cho chính quyền trung ương Myanmar, Trung Quốc lại trực tiếp hỗ trợ các nhóm ly khai Myanmar tại tỉnh biên giới Kokang ở phía Đông Bắc nước này. Trong nửa đầu năm 2015, các nhóm quân ly khai nói trên đã đánh bại Quân đội Myanmar và sau đó hai bên (các nhóm ly khai và chính phủ Myanmar) đã ký một thỏa thuận ngừng bắn do chính Bắc Kinh đứng ra làm trung gian.

QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC KHÁC

Quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với các nước ASEAN khác cũng đang được tăng cường, thêm nữa, những mối quan hệ này cũng có những gốc gác lịch sử rất thú vị.

Nước Campuchia quân chủ (Sihanuk) vào đầu những năm 70 đã được Trung Quốc cung cấp gần 40 các máy bay nhiều kiểu khác nhau (tiêm kích J-2 và J-5, máy bay vận tải Y-5, máy bay huấn luyện CJ-6), còn nước Campuchia dân chủ của Polpot- 20 xe tăng hạng nhẹ “Type 62”, khoảng 200 tổ hợp tên lửa chống tăng HJ-73 và đến 10 máy bay tiêm kích J-5 và J-6. Sau đó, như trên vừa nói, Bắc Kinh ủng hộ bè lũ Polpot ẩn náu trên đất Thái Lan.

Vào đầu những năm 90, Trung Quốc không còn quan tâm mấy đến Campuchia, nhưng trong thời gian gần đây, Campuchia lại là một trong những hướng ưu tiên trong hợp tác kỹ thuật quân sự của Bắc Kinh.

Trong các năm trở lại đây, Phnôm Pênh đã nhận từ Bắc Kinh 4 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ “Type 062-1”, 2 máy bay vận tải MA60, 12 máy bay lên thẳng Z-9 (trong đó có 4 chiếc là phiên bản máy bay lên thẳng tấn công) và 50 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai FN-6.

Nước láng giềng của Campuchia là Lào tính từ năm 2010 đến nay cũng đã được Bắc Kinh chuyển giao 4 máy bay vận tải MA60 và 9 máy bay hạng nhẹ LE-500, 5 chiếc máy bay lên thẳng Z-9.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Philippines cũng có những nét rất đáng chú ý. Như đã biết, có thể nói Philipines là nước thân Mỹ nhất trong các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Những thay đổi đột ngột (trong các tuyên bố về chính sách đối ngoại) do Tổng thống Duberte đưa ra từ khi lên nắm quyền, rất có thể chỉ là những nước cờ lắt léo sách lược nào đó để buộc Mỹ phải đưa ra chính thức cam kết đảm bảo chắc chắn an ninh cho Philippines.

Nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ việc “tự diễn biến” của Manila là có thật, bởi vì, theo kinh nghiệm của nhiều nước và các chủ thể phi nhà nước, một liên minh với Mỹ trong thời buổi hiện đại có điều gì đấy làm ta nhớ tới một phương pháp tự sát tinh tế. Và một khi đã không trông mong gì từ phía Washington, buộc phải nghiêng mình trước Bắc Kinh và nhỏ nhẹ hơn trong các tuyên bố chủ quyền.

Tháng 10/2017, Bắc Kinh chuyển giao lô súng bộ binh, đạn dược và các trang bị quân sự đầu tiên cho Các lực lượng vũ trang Philippines để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Động thái này của Bắc Kinh làm mọi người thấy ngay rằng mục đích duy nhất của những “khẩu súng trên được bàn giao trên” từ phía Bắc Kinh là củng cố mối quan hệ chính trị với Manila dưới thời Duderte, chứ tuyệt đối không liên quan gì đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố tại Mindanao vốn không hề có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc.

Indonexia, Malaixia, Bruney và Singapore cũng ngày càng ít công khai bộc lộ những bất bình của mình đối với chính sách của Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng có những quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự nhất định với nhóm nước này. Ít nhất thì đến thời điểm hiện tại Malaiuxia và Indonexia đã mua các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai của Trung Quốc, riêng Indonexia còn mua thêm cả các tên lửa chống hạm.

Ngay cả một quốc gia láng giềng với khu vực Đông Nam Á từng có lúc được coi là đồng minh thân Mỹ còn hơn cả Anh cũng đã bắt đầu phần nào tỏ ra mềm mỏng hơn trước sức ép từ Trung Quốc.Nước này ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào quan hệ thương mại với Trung Quốc và nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, cộng đồng người Trung Quốc tại Úc đang ngày càng đông. Chính vì thế mà Úc ngày càng ít muốn “cãi nhau” với Trung Quốc hơn, mặc cho Washington nghĩ thế nào thì nghĩ.

Hiện tuy giữa hai nước vẫn chưa thiết lập mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự, nhưng hợp tác quân sự thì đã có. Tháng 9/2017, các phân đội của Bộ Tư lệnh Quân khu Nam PLA và các phân đội Quân đội Úc đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên “Panda- Kangaroo” tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Trong các năm 2015 và 2016, các cuộc tập trận chung tương tự cũng đã được tiến hành trên lãnh thổ Úc. Cuộc tập trận năm 2017 kéo dài tới10 ngày. Các quân nhân tham gia đã thực hiện các bài tập tiến hành các hoạt động quân sự chung trong các điều kiện khí hậu- tự nhiên phức tạp (trên núi và trong rừng rậm nhiệt đới), trong đó có cả các bài tập vượt sông, hồ và rên luyện kỹ năng tồn tại.

Tuy mỗi bên chỉ cử 10 quân nhân tham gia nhưng điều quan trọng nhất nằm ở chỗ đây là cuộc tập trận chung giữa PLA với quân đội một nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Thêm nữa, cuộc tập trận này không mang tính hình thức, mà có một ý nghĩa thực tế đối với hai quân đội nếu xét từ góc độ quân sự. Một mục tiêu nữa của các cuộc tập trận này là xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Kết quả là trong tương lai gần chỉ còn “Đông Phổ của Đông Nam Á”–tức Việt Nam là chưa có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Bắc Kinh. Sau khi chiến thắng Pháp, Mỹ và cả chính Trung Quốc trong nửa sau của thế kỷ XX, nước này không quen với việc khuất phục trước một ai đó.....

LẬP TRƯỜNG CỦA MATXCOVA

Do tình hình ở Đông Nam Á không trực tiếp đụng chạm đến những lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất của Nga nên Matxcova cho đến bây giờ vẫn né tránh đưa ra một lập trường chinh thức nào đó về vấn đề này.

Matxcova vừa không muốn gây mâu thuẫn với Trung Quốc trong bối cành quan hệ với Phương Tây ngày càng xấu đi như hiện nay, vừa vẫn xác định các nước ASEAN là đối tác hợp tác quân sự-kỹ thuật quan trọng, đồng thời cũng là một đối trọng địa chính trị tiềm năng với Trung Quốc trong tương lai.

Ngoài ra, các công ty “Rosnheft” và “Gazprom” (Nga) đang tích cực tham gia vào các dự án khai thác mỏ dầu của Việt Nam trên thềm lục địa đang tranh chấp trên Biển Đông.

Tháng 4/2012, “Gazprom” Nga và “Petrovietnam” đã ký thỏa thuận khai thác hai mỏ khí đốt trên thềm lục địa tại khu vực Quần đảo Trường Sa,- phía Trung Quốc đã phản ứng bằng cách gửi công hàm phản đối vì cho rằng các hoạt động thăm dò khai thác theo thỏa thuận được thực hiện trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trên Biển Đông.

Năm 2016, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung trên Biển Đông đã bị thế giới đánh giá là một hành động ủng hộ Bắc Kinh từ phía Matxcova.

Cùng thời gian đó, Matxcova cũng tỏ ý ủng hộ Bắc Kinh trong việc phớt lờ phán quyết của Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực tại Lahay theo đơn kiện của Manila (bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc) và động thái trên của Matxcova được coi là sự ủng hộ hoàn toàn của Matxcova đối với lập trường của Bắc Kinh (ngay cả Bắc Kinh cũng nghĩ như vậy).

Nhưng trên thực tế,- các cuộc tập trận (chung Nga- Trung) “Phối hợp biển” được tiến hành thường niên từ năm 2012. Trong những năm chẵn- các cuộc tập trận đó được tiến hành trong khu vực chịu trách nhiệm của Hải quân PLA, còn trong các năm lẻ- trong khu vực chịu trách nhiệm của Hải quân LB Nga.

Về mặt lý thuyết, phía Nga có thể tiến hành các cuộc tập trận tại các vùng biển chịu trách nhiệm của phân hạm đội Primorski, hoặc của phân hạm đội Camchatka (thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương Nga), nhưng Nga chỉ cho tiến hành các cuộc tập trận biển trong khu vực chịu trách nhiệm của Phân hạm đội Primorski (trên Biển Nhật Bản gần cảng Valdivostok).

Phía Trung Quốc tiến hành luân phiên các cuộc tập trận chung này trên những khu vực chịu trách nhiệm của 3 hạm đội: năm 2012- Hạm đội Bắc Hải, năm 2014- Hạm đội Đông Hải.

Thành thử, năm 2016 đến lượt Hạm đội Nam Hải với khu vực chịu trách nhiệm là Biển Đông. Không thể tiến hành tập trận được ở bất cứ nơi nào khác.

Nếu Matxcova từ chối tham gia, một quyết định như vậy sẽ được coi là một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc, điều mà Matxcova dĩ nhiên là không muốn, nên cuộc tập trận “theo phiên” này đứt khoát không phải là một cử chỉ của Matxcova ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc xung đột trên Biển Đông- đây là một cuộc tập trận định kỳ chứ không phải là đột xuất và địa điểm tiến hành đã được xác định từ trước đó rất lâu.

Hơn nữa, chính Matxcova đã chủ động yêu cầu thu gọn quy mô cuộc tập trận (trên Biển Đông năm 2016) và địa điểm tập trận được chọn cách rất xa khu vực tranh chấp.

Cuộc tập trận này được tiên hành ven bờ biển tỉnh Quảng Đông, có nghĩa là ngay sát cạnh phần lục địa của Trung Quốc,- nơi không có bất cứ ai đưa ra các yêu sách về chủ quyền. Và như vậy, Matxcova đã làm tất cả những gì có thể để thể hiện lập trưởng trung lập. Trong năm 2018 này, cuộc tập trận “Phối hợp biển” sẽ lại được tiến hành trong khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội Bắc Hải PLA.

Còn về chuyện Nga đứng về phía Trung Quốc khi không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Lahay như đã nói ở trên, thì trong trường hợp này Matxcova không ủng hộ Bắc Kinh, mà là lại một lần nữa thể hiện một thái độ là về nguyên tắc, Matxcova cũng sẽ không chấp nhận những phán quyết tương tự.

Lý do- rất có thể Tòa Lahay lại cũng đưa ra những phán quyết như vậy đối với Nga (ví dụ, như về vấn đê chủ quyền đối với Crimea hoặc các đảo của Quần đảo Kuril chẳng hạn). Có nghĩa là trong trường hợp này Matxcova theo đuổi lập trường mang tính nhất quán và nguyên tắc chung, chứ không phải là quan điểm về một vụ việc cụ thể nào đó.

Nhìn chung, đến cách đây không lâu thì Matxcova đã cố không chỉ giữ trung lập, mà còn làm ra vẻ hoàn toàn “không nhận thấy” vấn đề và vì thế - không đưa ra một sự lựa chọn nào.

Tuy nhiên, dù sao thì Matxcova cũng không thể đứng mãi ngoài cuộc, đặc biệt là vào giai đoạn khi mà giới lãnh đạo Nga liên tục nhắc tới vị thế toàn cầu của nước mình và tuyên bố sẵn sàng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất. Hơn nữa, dù khu vực Đông Nam Á không có đường biên giới chung với Nga, nhưng cũng không cách Nga quá xa.

Cuối cùng thì Matxcova cũng bắt đầu lên tiếng kêu gọi “giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình có tính tới lợi ích của tất cả các bên” đồng thời “bày tỏ mong muốn” giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương (có nghĩa là riêng rẽ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Philippines, Trung Quốc với Malaixia) và không có sự can thiệp của những nước không liên quan đến khu vực này, dĩ nhiên, ai cũng hiểu là nước mà Matxcova muốn nói tới đó chính là Mỹ.

Có lẽ Matxcova có thể có một thái độ rõ ràng hơn trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, nếu như tại khu vực này xuất hiện một lợi ích rất có ý nghĩa nào đó (đối với Nga).

Cụ thể như xây dựng căn cứ quân sự Nga tại khu vực, hoặc là các công ty Nga tham gia vào các hợp đồng khai thác các mỏ dầu và khí đốt lớn, hoặc là một trong các nước trong khu vực mua một khối lượng rất lớn vũ khí Nga. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì ngay cả đến Việt Nam cũng chưa tạo cho Nga một cơ hội nào như vậy, chứ chưa nói tới những nước khác.

Về phần mình, Trung Quốc dĩ nhiên là muốn có một sự ủng hộ cụ thể hơn từ phía Matxcova đối với lập trường của mình trong vấn đề chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông, nhưng để có được sự ủng hộ đó chính bản thân Trung Quốc cũng phải thể hiện sự ủng hộ Nga mạnh mẽ hơn rất nhiều trong những vấn đề mang tính nguyên tắc khác (Crimea, Ucraine, Syria và v.v), nhưng hiện chưa thấy có bất cứ chỉ dấu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ làm như vậy.

Ngoài ra, rất có khả năng là Bắc Kinh cũng đoán ra rằng nếu Matxcova đưa ra một sự lựa chọn dứt khoát có lợi cho Bắc Kinh thì quyết định đó sẽ buộc các nước ASEAN nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ và viễn cảnh đó chắc gì đã có lợi cho Bắc Kinh.

Và nói chung, nếu như Washington vẫn tiếp tục lập trường chống Trung Quốc cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến xung đột trên Biển Đông như hiện nay thì điều đó sẽ tư động đẩy Matxcova gần Trung Quốc hơn hiện nay. Nhưng nếu như Mỹ hạ nhiệt, lập trường của Nga vẫn sẽ là tương đối trung lập.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)
0

Sông Mekong trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc

Với việc đã xây dựng 6 đập lớn ở thượng nguồn và dự kiến xây mới 21 đập khác, năng lực của Trung Quốc trong việc trữ và xả nước trong suốt mùa khô và trong thời gian hạn hán chắc chắn sẽ tăng lên.


Bản đồ đập thủy điện trên sông Mekong

Sông Mekong là nguồn sống của hàng trăm nghìn người sống hai bên bờ trải dài từ Trung Quốc xuyên qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trận lụt tồi tệ hồi tháng trước do vỡ đập thủy điện đang được xây dựng ở Lào khiến khoảng 30 người thiệt mạng. Sự cố cũng gây thiệt hại rộng khắp đối với nền kinh tế bản địa, khiến 6.000 người mất nhà cửa và đặt ra câu hỏi về việc quản lý, khai thác hiệu quả sông Mekong.

Tuy nhiên, con sông vốn rất nổi tiếng qua phim ảnh và thu hút vô số khách du lịch mỗi năm có tác động vượt ra ngoài yếu tố thương mại và giao thương. Các khoản tiền đã được đổ vào đây, khi mà các nước - thường là qua các công ty nhà nước hoặc được nhà nước "chống lưng" - đua nhau xây dựng các nhà máy thủy điện. Những nước nhỏ hơn, nghèo hơn như Campuchia và Lào luôn chào đón những khoản đầu tư này, ngay cả khi nó bị gắn kèm những ràng buộc chiến lược.

Là cường quốc lớn nhất khu vực và cũng là nước mà dòng Mekong khởi nguồn từ bình nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đang không ngừng sử dụng ảnh hưởng kinh tế để đạt được các mục tiêu lớn hơn. Quyền kiểm soát lớn hơn đối với sông Mekong, còn được biết đến với cái tên Lan Thương trong tiếng Trung Quốc, tới tận miền Nam Việt Nam giúp Bắc Kinh có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng nguồn lực chủ chốt của sông và có ưu thế để ép các nước phải đi theo những tính toán chính trị của mình.

Elliot Brennan, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện An ninh và Phát triển Chính sách có trụ sở tại Bangkok, bình luận: “Trung Quốc vẫn chưa sử dụng toàn bộ ảnh hưởng tuyệt đối, nhưng nếu thực thi, Bắc Kinh có đủ sức mạnh tạo ra nạn đói và bất ổn dân sự. Ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên hệ thống sông này, thông qua các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án liên doanh xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mekong là một nửa trong cái gọi là chiến lược lát cắt salami ở Đông Nam Á”, với hàm ý nửa còn lại là chiến lược xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và tiềm lực quân sự tại đó.

Với việc đã xây dựng 6 đập lớn ở thượng nguồn và dự kiến xây mới 21 đập khác, năng lực của Trung Quốc trong việc trữ và xả nước trong suốt mùa khô và trong thời gian hạn hán chắc chắn sẽ tăng lên. Giới quan sát đôi khi mô tả Mekong sẽ là điểm nóng địa chính trị kế tiếp tại khu vực. Chưa đến mức căng thẳng như tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc đã cải tạo hàng nghìn mẫu vuông, thiết lập các đồn bốt quân sự ở những đảo, đá - nhưng sông Mekong rồi cũng sẽ đến lúc nóng hơn cả Biển Đông. Đó là bởi giá trị của sông Mekong như một tuyến đường sông thông ra biển, chạy qua vựa lúa của Đông Nam Á, nơi mà gạo và các cây trồng chủ chốt khác được trồng cấy, là nguồn lợi về cá tôm và cũng là điểm đến của du lịch.

Tại sông Mekong cũng như Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai chiến lược “củ cà rốt” (đầu tư) lẫn cây gậy (sức ép quân sự và ngoại giao). Trong lúc các công ty trong nước đứng ra thu xếp vốn để mở rộng mạng lưới đập thủy điện xây dựng dọc sông, Trung Quốc tìm cách tối đa hóa tiếng nói quyết định của mình về việc trị thủy dòng chảy của Mekong trên toàn bộ chiều dài 4.350km.

Được thành lập năm 1995, Ủy hội sông Mekong từng đóng vai trò là cơ chế quản lý sông Mekong giữa Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào năm 2016, với việc Trung Quốc chính thức cho ra đời Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMCM). Thay vì hợp tác với Ủy hội sông Mekong, tổ chức mà Trung Quốc không là thành viên, Bắc Kinh tập trung xây dựng LMCM thành thiết chế giúp thúc đẩy phát triển miền Tây Trung Quốc và bổ sung, hỗ trợ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) với mục tiêu mở rộng các tuyến đường bộ, đường biển vươn tới châu Âu.
Với quy chế thành viên bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á lục địa, LMCM có quy mô lớn hơn so với Ủy hội sông Mekong. LMCM xử lý các vấn đề chính trị và an ninh, như sức khỏe, giáo dục, hạ tầng cũng như phát triển bền vững sông Mekong và hợp tác kinh tế xuyên biên giới. LMCM cũng giúp điều phối hoạt đồng tuần tra hỗn hợp với các tàu quân sự của Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ lại tập trung vào sáng kiến Hạ lưu sông Mekong - quan hệ đối tác được hình thành từ năm 2009 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện tại 5 nước hạ nguồn. Tại cuộc gặp ở Singapore ngày 4/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á là những đối tác chiến lược then chốt của Mỹ và tuyên bố “việc tạo lập tăng trưởng công bằng, bền vững, toàn diện cho tiểu vùng này không chỉ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN, mà còn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đó là các tuyên bố rất đáng chú ý. ASEAN, dưới góc độ là một tổ chức, về cơ bản đang né tránh chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh nhất quyết đòi giải quyết tranh chấp với các nước Đông Nam Á trên nền tảng song phương, chứ không phải thông qua ASEAN. Đặc biệt, việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho Lào và Campuchia đã góp phần làm chia rẽ các nước trong ASEAN - vốn đưa ra mọi quyết định thông qua nguyên tắc đồng thuận.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị coi LMCM là “một cấu thành quan trọng” của hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Thế nhưng, “một đặc điểm nổi bật của sông Mekong chính là việc dòng chảy địa lý phản ánh thứ bậc địa chính trị ở khu vực: Một Trung Quốc quyền lực ở thượng lưu, trong khi những nước nhỏ hơn, kém phát triển hơn nằm ở hạ lưu. Có thể thấy rõ điều này qua việc các nước hạ nguồn miễn cưỡng hoặc không dám chỉ trích bất kỳ hành động khai thác nào của Trung Quốc ở thượng nguồn”, Sebastian Strangio - một nhà báo, nhà phân tích chuyên về tình hình Đông Nam Á hiện sống ở Thái Lan bình luận.

Theo “Bloomberg

Mỹ Anh (gt)

Nguồn bài đăng: http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/7045-song-mekong-trong-cac-tinh-toan-a-chinh-tr-ca-trung-quc
0

Xung đột vũ trang miền Bắc Myanmar rất giống với miền Đông Ukraine

Khu vực xung đột vũ trang ở đông bắc Myanmar sát biên giới với Trung Quốc đang có nguy cơ lan rộng.


Chiến sự giữa chính phủ và người vùng Kokang đã vượt ra ngoài ranh giới khu tự trị, nơi người Myanmar gốc Hán tập trung sinh sống. Những áp lực chính trị nhằm vào Trung Quốc cũng gia tăng, quốc gia đã lần nữa chính thức tuyên bố không liên quan tới các sự kiện ở biên giới phía nam.

Myanmar áp dụng tình trạng khẩn cấp và thiết quân luật ở Kokang từ ngày 17 tháng 2.

Trong khi đó, quân nổi dậy chống chính phủ mở rộng vùng chiến sự. Ngày càng tăng số người tị nạn chạy sang Trung Quốc. Theo phương tiện truyền thông của Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á, tính từ khi xung đột bắt đầu ngày 9 tháng 2, có tới 100.000 người đã vượt qua biên giới sang Trung Quốc. Trước đó 10 ngày, con số được nêu là 30.000 người.

Phía Trung Quốc chưa đóng cửa biên giới nhưng ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh trong khu vực. Nhiều giả thiết xuất hiện cho rằng trong cuộc xung đột ở Myanmar có những đầu mối từ Trung Quốc. Các đối thủ chính trị của Trung Quốc cáo buộc nước này đã cung cấp vũ khí cho người Kokang. Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ sự dính líu của họ, đồng thời tuyên bố đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu vũ khí trong khu vực chiến sự.

Hôm thứ Tư, nhà chức trách Trung Quốc tái khẳng định họ không hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi loạn. Sự bác bỏ xuất hiện sau khi các phương tiện truyền thông nước ngoài cho biết lính đánh thuê từ Trung Quốc tham gia cuộc đấu tranh của người Kokang đòi thêm quyền tự trị. Trong cuộc phỏng vấn của Hoàn cầu Thời báo, lãnh đạo phiến quân Myanmar Peng Jiasheng cũng phủ nhận những thông tin như vậy. Sự kiện trên biên giới Myanmar là một cơ hội thuận lợi để tung tin đồn phục vụ ván bài chống Trung Quốc, - chuyên gia Nga Boris Volkhonsky nhận xét:

“Myanmar từ lâu đã biến thành một sàn đấu của ván bài địa chính trị đang càng ngày lớn nhanh. Tất nhiên, các đối thủ ở bên ngoài có thể lợi dụng sự bất ổn trong khu vực để chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, là nước có ảnh hưởng mạnh ở Myanmar.”

Xung đột giữa chính quyền và người Kokang diễn ra âm ỉ trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng bùng phát vào tháng Mười Hai năm 2014, sau gần sáu năm đình chiến. Năm 2015 bắt đầu được mệnh danh là "mùa xuân Myanmar cho phương Tây." Sau khi chính quyền quân sự bị lật đổ, người Mỹ, người Nhật và châu Âu bắt đầu quay trở lại đây. Ở Myanmar, đâu đâu họ cũng vấp phải sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong ván bài mở rộng ảnh hưởng ở Myanmar, phương Tây rất có thể chống Trung Quốc bằng con chủ bài kích động xung đột trong những người Myanmar gốc Hán. Hơn ai hết, Trung Quốc không hề mong một thùng thuốc nổ nằm trên biên giới phía nam, - ông Boris Volkhonsky khẳng định:

“Rõ ràng cuộc xung đột này không có lợi cho Trung Quốc. Myanmar đang biến thành một sàn cạnh tranh ảnh hưởng khá khốc liệt. Vốn tư bản và các chính trị gia phương Tây tích cực nhảy vào nước này. Họ rất muốn lấn át Trung Quốc trong nền kinh tế và chính trị Myanmar. Từ đây có thể giả định rằng, nếu không có lợi cho Trung Quốc thì cuộc xung đột là có lợi cho các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc.”

Hiển nhiên, mọi nỗ lực tạo lò lửa căng thẳng trên biên giới rất phù hợp với chiến lược kiềm chế Trung Quốc của phương Tây. Nhất là khi lò lửa đã có sẵn. Lúc này, Trung Quốc cũng chưa kiểm soát chặt được biên giới tây bắc, các phiến quân người Uighur tương đối tự do qua lại Pakistan. Và từ đấy, tiền bạc và các loại vũ khí được tuồn vào cho phong trào ly khai của Tân Cương ở Trung Quốc. Tại biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông), Trung Quốc có loạt vấn đề tranh chấp vùng biển và hải đảo với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác. Giờ đây, đang hình thành thêm lò lửa căng thẳng mới trên biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar.

http://vietnamese.ruvr.ru/2015_02_28/283135190/
0