kimluc
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa Kỳ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa Kỳ. Hiển thị tất cả bài đăng

'Tứ giác kim cương' củng cố liên thủ đối phó Trung Quốc

Việc Ấn Độ và Úc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự được xem là bước tiến mới trong sự phối hợp của tứ giác an ninh, gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, để đối phó với Trung Quốc.


Các tàu chiến Ấn Độ và Úc trong cuộc tập trận AUSINDEX năm 2019

Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Qua đó, hai bên thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST)… Cả hai đều khẳng định việc tăng cường thỏa thuận là nhằm hướng đến cùng cam kết hợp tác vì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Thời gian qua, các nước trong tứ giác an ninh chia sẻ chung tầm nhìn về Indo-Pacific với nội dung cốt lõi là nhằm đảm bảo an ninh chung trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại trong khu vực.

Bổ sung thỏa thuận quân sự

Trả lời Thanh Niên ngày 7.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: Việc Ấn Độ và Úc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và thông qua Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA) có ý nghĩa quan trọng. Bởi thỏa thuận này là bằng chứng cho thấy bước tiến triển của tứ giác an ninh (hay còn gọi là “tứ giác kim cương”).

Gần đây, việc hợp tác của tứ giác an ninh được cho là tiến triển nhưng làm sao để đo lường sự tiến triển đó thì vẫn đang gây tranh cãi, nhất là khi đến giờ vẫn chưa có một thỏa thuận liên minh nào được ký kết. Mà khi không có hiệp ước liên minh nào thì làm thế nào đo lường tiến trình hợp tác?

Để đo lường tiến trình hợp tác trong trường hợp này thì có thể xét đến các thỏa thuận để tạo điều kiện sẵn sàng chiến đấu cùng nhau. Các thỏa thuận như thế hướng đến việc chia sẻ thông tin, cho phép truy cập nguồn dữ liệu của nhau, chia sẻ việc cung cấp nguồn lực.

Trong đó, để chia sẻ thông tin, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Úc, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.

Để cùng chia sẻ nguồn lực hậu cần và truy cập vào cơ sở dữ liệu của nhau, Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) cũng đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật, Mỹ - Úc, Nhật - Úc. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Ấn Độ chưa phải là đồng minh và hai nước cũng chưa ký kết ACSA. Ấn Độ cũng chưa ký kết ACSA với Nhật Bản. Giờ đây, Ấn Độ vừa ký kết LEMOA với Úc. Mục đích là giống nhau nên LEMOA có thể xem là một ACSA phiên bản Ấn Độ để New Delhi ký kết với các bên khác như Tokyo hay Washington.


Sơ lược về các thỏa thuận hợp tác tình báo và hậu cần của “tứ giác kim cương”

Khi đó, Mỹ - Nhật - Úc - Ấn sẽ có đủ hệ thống thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, hậu cần như một mạng lưới đồng minh ở Indo-Pacific nhằm đối phó những mối nguy từ Trung Quốc như định hướng của “tứ giác kim cương”.

Thường xuyên tập trận chung

Thực tế thời gian qua, các nước trong “tứ giác kim cương” liên tục có những hoạt động chung ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng.

Cuối tháng 5, Mỹ điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer tham gia tập trận cùng 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2 của Nhật Bản, ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Tháng 6.2019, tàu chiến JS Izumo của Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông.

Cũng trên Biển Đông, tháng 4.2020, tàu hộ tống HMAS Parramatta thuộc Úc đã tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Tháng 9.2019, tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tổ chức tập trận chung thường niên Malabar tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sasebo (Nhật Bản).

Về tập trận song phương trong nhóm “tứ giác kim cương”, năm 2019, Úc đã điều động hạm đội tàu chiến lớn nhất nước này kể từ sau Thế chiến 2 tham gia cuộc tập trận chung với Ấn Độ mang tên AUSINDEX.

Không chỉ vậy, một số thành viên trong nhóm “tứ giác kim cương” còn cùng nhau tổ chức tập trận đa phương với các nước khác trong khu vực. Tháng 5.2019, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu chiến nước này cùng chiến hạm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc có cuộc tập trận chung đầu tiên ở gần đảo Guam. Cũng trong tháng 5.2019, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines điều 6 chiến hạm tập trận chung trên Biển Đông.

Các cuộc tập trận chung có sự tham gia của các nước thuộc “bộ tứ kim cương” trên Biển Đông luôn được giới chuyên gia đánh giá như động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại đây.

Ấn - Trung nhất trí giải quyết tranh chấp biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đang hành động nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng và ẩu đả kéo dài cả tháng qua dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), cụ thể là tại 4 điểm ở phía đông Ladakh, theo báo Hindustan Times hôm qua 7.6 dẫn nguồn thạo tin.

Trước đó, trung tướng Harinder Singh, tư lệnh quân đoàn 14 đóng tại Leh thuộc khu vực Ladakh, dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ hội đàm với đoàn của thiếu tướng Liễu Lâm, chỉ huy quân khu Nam Tân Cương, tại Moldo-Chushul ở bên phần Trung Quốc ngày 6.6. Cuộc đối thoại kéo dài 7 giờ đánh dấu lần đầu tiên diễn ra đối thoại ở cấp tướng kể từ khi vụ chạm trán giữa binh sĩ tuần tra hai nước xảy ra gần hồ Pangong trên Himalaya ngày 5.5.

Hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên các thỏa thuận song phương đã ký kết, đồng thời nhất trí rằng quân đội Ấn - Trung không thể để tình hình leo thang dọc theo LAC như vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm qua cũng ra thông cáo với cùng nội dung.

H.G/ Báo Thanh Niên
0

Một nước Mỹ theo chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào?

Vì sao Donald Trump lồng lộn trước sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ? Có phải chủ nghĩa xã hội đã thật sự có chỗ đứng tại Mỹ, và một nước Mỹ theo chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào?


Nguồn: What Would a Socialist America Look Like? / Politico Magazine / 2018/09/03.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.


Chỉ cách đây một thập kỷ, “chủ nghĩa xã hội” còn là từ bị coi thường trong chính trị Mỹ. Những tranh cãi về giá trị của nó hầu hết chỉ giới hạn trong các blog khó hiểu, các tạp chí chuyên sâu và các đảng chính trị ở bên kia Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây, Bernie Sanders, Alexandria Ocasio-Cortez và nhiều chính trị gia khác đã thổi một luồng sinh khí mới vào danh từ này, bổ sung thêm vào các tranh cãi chính trị chính thống một tầm nhìn khác biệt cho nền kinh tế Mỹ. Trước khi hết một nửa nhiệm kỳ, các chính trị gia như Ocasio-Cortez, Rashida Tlaib của Michigans, James Thompson của Kansas đã tự hào xác nhận mình là thành viên của Các nhà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ (Democratic Socialists of America – DSA), nhóm xã hội chủ nghĩa lớn nhất đất nước này với số thành viên tăng mạnh kể từ chiến dịch chạy đua vào Nhà trắng của Sanders năm 2016.

Đối với độc giả Fox News, đó là những cơn ác mộng, chưa kể những đảng viên Dân chủ thất thường còn sợ sự xa lánh của các cử tri vốn đã quen với chủ nghĩa tiệm tiến (incrementalism) thời hậu Lyndon B. Johnson của đảng này. Tuy vậy, theo một cuộc trưng cầu hồi tháng 8, lần đầu tiên kể từ khi viện nghiên cứu Gallup đặt vấn đề này, đã có nhiều đảng viên dân chủ chấp thuận chủ nghĩa xã hội hơn chủ nghĩa tư bản.

Có phải chủ nghĩa xã hội đã thật sự đến với nước Mỹ, và nó sẽ như thế nào? Tạp chí Politico Magazine đã mời các nhà văn, chuyên gia chính sách, chính trị gia xã hội chủ nghĩa cùng thảo luận. Các câu trả lời của khách mời cũng đa dạng như chính phong trào xã hội chủ nghĩa. Điều tốt nhất mà phong trào này đang phản ánh là những chân trời chính trị mở rộng trong một thế giới mới dũng cảm, thế giới thời hậu Donald Trump.

*

Nếu nó đủ tốt cho những Bắc Âu, nó cũng đủ tốt cho chúng taMatthew Bruenig, người sáng lập Dự án Chính sách của Nhân dân (People’s Policy Project), một viện cố vấn cấp tiến

Có một cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, đó là sao chép định chế kinh tế ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy. Các nước này là những nơi liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng toàn cầu về hạnh phúc, phát triển con người và sự thỏa mãn toàn diện. họ có những thị trường lao động mang tính tổ chức cao, các nhà nước phúc lợi chung và tỉ lệ sở hữu vốn tư bản công tương đối cao.

Để chuyển sang định hướng Bắc Âu, nước Mỹ nên thúc đẩy công đoàn hóa hàng loạt trong lực lượng lao động, gia tăng bảo vệ pháp lý trong các điều khoản trọng tài và cho phép công nhân giành được một số ghế trong ban quản trị doanh nghiệp công ty mà họ đang làm việc, như thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã đề nghị gần đây.

Nói về phúc lợi nhà nước, đất nước này nên xây dựng hệ thống bảo hiểm sức khỏe quốc gia, tương tự như đề nghị “Chăm sóc y khoa cho Tất cả” (Medicare for All) của một số đảng viên Dân chủ, kéo dài kỳ nghỉ thai sản của các bậc phụ huy tương lai, trợ cấp cho mỗi trẻ em trong mỗi gia đình 300 USD mỗi tháng, cung cấp miễn phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và trẻ trước tuổi mẫu giáo. Nước Mỹ cũng nên trợ cấp nhà ở cho những người thu nhập thấp và gia tăng phúc lợi tối thiểu cho những quan chức cao cấp về hưu, những người về hưu non vì không còn khả năng làm việc.

Để gia tăng quyền sở hữu công về tư bản, chính phủ nên thiết lập một quỹ của cải xã hội và từ từ lấp đầy quỹ này bằng các tài sản tư bản mua trên thị trường mở. Theo thời gian, lợi nhuận từ quỹ có thể được chia sẻ cho mọi người dân Mỹ như các khoản thanh toán chung, hoặc dùng làm doanh thu chính phủ tổng quát. Chính phủ nên xây dựng ít nhất 10 triệu đơn vị nhà ở xã hội thuộc sở hữu công dành cho nhiều mức thu nhập để gia tăng quyền sở hữu công và thúc đẩy sự gia tăng nguồn cung nhà ở tại các khu vực đô thị đắt đỏ có giới hạn mà nhiều người đang rất cần.

*

Chủ nghĩa xã hội dân chủ là mở rộng sự dân chủDavid Duhalde, quản lý bầu cử cao cấp của Cuộc cách mạng của chúng ta (Our Revolution), một tổ chức phi lợi nhuận cấp tiến lấy cảm hứng từ Bernie Sander

Nội dung quan trọng thường bị bỏ qua về cách thiết lập chủ nghĩa xã hội là sự mở rộng danh sách những người ra quyết định trong xã hội và cách thức họ làm điều đó, trong đó có quyền sở hữu dân chủ tại nơi làm việc. Chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Mỹ cũng nói về việc mở rộng dân chủ nhiều như bất kỳ thứ gì khác.

Trong ngắn hạn, cũng như người theo đường lối tự do, những người xã hội chủ nghĩa muốn bảo vệ, gia tăng và mở rộng các dịch vụ xã hội và hàng hóa công. Chúng ta đã làm thế, tuy nhiên, không phải vì những chương trình đó là nhân đạo, mà là để chuyển lên nền dân chủ xã hội, nơi mà cuộc sống của nhân dân ít phải tuân theo các ý muốn bất ngờ của thị trường tự do. Chăm sóc sức khỏe chung và sự đảm bảo công việc, hai ý tưởng mới mẻ mà trong thực tế đang được thảo luận ở Thượng viện tháng 9 vừa qua sẽ chỉ là những bước đầu tiên hướng tới nền dân chủ xã hội.

Thiết lập chủ nghĩa xã hội dân chủ nghĩa là dân chủ hóa quyền sở hữu vốn, cuộc sống cá nhân và công việc của chúng ta. Những người xã hội chủ nghĩa tin rằng, nếu bạn làm việc ở đâu, bạn nên có tiếng nói về cách thức nơi đó hoạt động. Ở cấp độ công ty ngày nay, điều này là khả thi nhờ các công đoàn, các hội đồng công nhân và các ban giám đốc được bầu cử. Ngoài ra, nếu lao động của bạn tạo ra lợi nhuận, trong chế độ chủ nghĩa xã hội, bạn sẽ có cổ phần quyền sở hữu và một tiếng nói dân chủ về cách nơi làm việc của bạn đang hoạt động.

Các hợp tác xã và doanh nghiệp công như Mondragon ở xứ Basque, hợp tác xã Jackson ở Mississippi và Red Emma’s ở Baltimore đem lại cho chúng ta một vài nét sơ lược về các quyền sở hữu kiểu này. Loại hình nền kinh tế được dân chủ hóa sẽ trao quyền tự chủ cho các cộng đồng bị bỏ rơi trong lịch sử, và sẽ là nền tảng của bất kỳ nước Mỹ xã hội chủ nghĩa nào.

*

Hãy gọi nó bằng bất cứ từ gì bạn muốn, nó là việc làm cho các cộng đồng trở nên bình đẳng hơnRashida Tlaib, ứng viên của Đảng Dân chủ tại Quận quốc hội thứ 13 của Michigan

Với tôi, chủ nghĩa xã hội là sự đảm bảo cho các chính sách chính phủ đặt nhu cầu con người lên trước lòng tham của doanh nghiệp và chúng ta xây dựng các cộng đồng nơi mà mọi người đều có một cơ hội để nỗ lực. Tôi kháng cự lại các tên gọi, kể cả những người có thể miêu tả tôi một cách rõ ràng là “cấp tiến”, bởi vì tôi cảm thấy một khi truyền thông bắt đầu định nghĩa bạn, thay vì để cho những hành động của bạn cất tiếng nói, bạn bắt đầu đánh mất đi một chút nào đó hình ảnh “bạn là ai”. Tôi tự hào là một thành viên của Các nhà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ (DSA) ở Vùng đô thị Detroit bởi vì họ đang làm những điều tương tự như tôi. Có thể kể ra một số việc như: Một mức lương đủ sống cho mọi người, loại bỏ ICE (Abolish ICE – một phong trào chính trị đề nghị loại bỏ cơ quan thực thi hải quan và nhập cư Mỹ) và đảm bảo chăm sóc sức khỏe chung.

Chúng ta đang cố gắng xây dựng những cộng đồng nơi sự giáo dục mà bạn tiếp cận, những công việc bạn có thể có đều không phụ thuộc vào mã bưu chính, chủng tộc hay giới tính của bạn. Mọi người không nhất thiết phải tìm kiếm một đại diện “xã hội chủ nghĩa dân chủ” hay “cấp tiến”, nhưng họ cũng không sợ những từ đó, họ chỉ đang tìm một chiến binh sẽ đặt nhu cầu của họ lên trên lợi nhuận doanh nghiệp và không bao giờ lùi bước. Vì vậy, nếu người khác muốn gọi tôi là một nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ dựa trên việc tôi chiến đấu vì lợi ích chung làm cho tất cả chúng ta tốt đẹp hơn, thì điều đó ổn với tôi, nếu không thì chắc chắn tôi sẽ không nói chuyện với họ.

Nhưng tôi định nghĩa bản thân mình qua những thấu kính độc đáo của chính tôi: Tôi là một người mẹ chiến đấu vì công lý cho tất cả. Cuối cùng, tôi đang cố gắng xây dựng các liên minh và truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động xây dựng một xã hội nơi mà mọi người ai cũng có cơ hội phát triển. Đó chính là chủ nghĩa xã hội mà tôi hứng thú.

Chủ nghĩa xã hội sẽ là phương thuốc sửa chữa sự tước đoạt có tính hệ thống với người da màu – Connie M. Razza, giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Viện cố vấn Demos.

Một nền kinh tế Mỹ công bằng hơn, hay có tính xã hội chủ nghĩa dân chủ hơn, sẽ yêu cầu tái cơ cấu các cấu trúc đã tước đoạt của cải và những nguồn lực khác khỏi các cộng đồng người da màu một cách có hệ thống. Để hiểu rõ những cấu trúc đó, chúng ta có thể nhìn lại hàng trăm năm người châu Âu đã lấy đất từ người Mỹ bản địa và biến người châu Phi thành nô lệ cũng để lấy đất của họ, hoặc có thể nhìn lại chuyện cách đây 10 tháng, Đảng Cộng hòa đã thông qua một dự luật cắt bỏ thuế để làm lợi cho các nhà tài trợ lớn của họ với cái giá phải trả là lợi ích của người nghèo, người lao động (dự luật cải cách thuế được Thượng viện Mỹ thông qua tháng 12/2017 giảm thuế thu nhập cho các cá nhân và gia đình ở mọi cấp độ thu nhập và thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% còn 21% cho tới năm 2026 – Người dịch).

Ngoài ra, một hệ thống mới sẽ điều chỉnh cách cư xử với các doanh nghiệp, công nhận điều gì đã được xem là đúng: Chúng tôi đầu tư vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng mà các doanh nghiệp phụ thuộc bởi vì các doanh nghiệp phục vụ chúng tôi. Trong tình hình bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế như hiện nay, chúng ta đã chuyển giao quyền lực cho các doanh nghiệp. Luật lệ phù hợp và thuế công bằng giúp các doanh nghiệp dễ dàng tập trung các nguồn lực, dù đó là tiền (với công ty tài chính), điện (với công ty năng lượng), công nghệ, thực phẩm… và phân phối chúng tới nơi chúng thật sự cần đến.

Một điều quan trọng là một tương lai công bằng yêu cầu mọi người đều có tiếng nói bình đẳng trong nền dân chủ Mỹ – sự công bằng trong tiếp cận bỏ phiếu, tự do khỏi mọi rào cản hạn chế thái quá. Nến tài chính công thông minh sẽ giúp các cử tri có thể tham gia một cách có ý nghĩa bằng cách tài trợ cho các ứng viên và cho phép mọi công dân có năng lực đều có cơ hội chạy đua vào các văn phòng. Không nên để sức mạnh đồng tiền giúp những người giàu có thêm nhiều là phiếu. Một nền kinh tế – chính trị công bằng hơn sẽ thừa nhận rằng chỉ có tiếng nói là tiếng nói, và cơ hội để gây ảnh hưởng đến cách tư duy của các đại diện là thông qua sự chắc chắn của các ý tưởng.

*

Xã hội chủ nghĩa dân chủ nghĩa là quyền sở hữu dân chủ với nền kinh tếPeter Gowan, thành viên tổ chức phi lợi nhuận tiến bộ Democracy Collaborative (Cộng tác Dân chủ)

Một chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ nên sở hữu những tài sản độc quyền tự nhiên như các tiện ích, vận tải đường sắt, cung cấp các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, chăm sóc trẻ em, ngân hàng, và xây dựng phúc lợi nhà nước chung loại bỏ đói nghèo thông qua việc đảm bảo thu nhập tối thiểu, hỗ trợ người khuyết tật, người già và gia đình có con nhỏ.

Nhưng chúng ta phải đi xa hơn điều đó. Chúng ta cần khảo sát để thiết lập sở hữu dân chủ trên một nền kinh tế rộng lớn hơn, và loại bỏ sự phụ thuộc của chúng ta vào những ngành công nghiệp lệ thuộc vào sự ô nhiễm và chiến tranh để tồn tại. Cần có các chiến lược cho phép công nhân các ngành nhiên liệu hóa thạch, hàng không, quốc phòng tái sử dụng cơ sở vật chất của họ cho việc sản xuất hữu ích có tính xã hội nhiều hơn.

Một ví dụ là Lucas Plan ở Anh quốc, nơi công nhân thiết kế và xuất bản một “kế hoạch doanh nghiệp thay thế” khả thi, bao gồm việc cấp vốn cho các ngành năng lượng tái chế, vận tải công, công nghệ y tế. Chúng ta cần một cơ chế để chuyển đổi tài sản doanh nghiệp thành các quỹ của cải xã hội định hướng khu vực được kiểm soát bởi các cổ đông đa dạng và có trách nhiệm, những người sẽ dần dần chuyển giao quyền sở hữu ra khỏi những nhóm người vô trách nhiệm để hướng về các tổ chức bao gồm số đông dân chúng.

Một nước Mỹ theo xã hội chủ nghĩa dân chủ sẽ là một xã hội mà ở đó, của cải và quyền lực được phân phối đồng đều rất nhiều, và ít có tội ác, ít sự cô đơn và sự bỏ rơi. Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhắm tới sự giải phóng năng lực và sự sáng tạo con người, không chỉ ở Mỹ mà là ở tất cả các quốc gia có giới tư bản bóc lột và xâm chiếm vì lợi nhuận của các tỉ phú ở đất nước chúng ta.
.
*

Đó là việc trao cho mọi người một tiếng nói trong việc ra quyết địnhMaria Svart, giám đốc toàn quốc của tổ chức Những nhà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ (DSA)

Sức mạnh tập thể là chìa khóa cho hình ảnh của chủ nghĩa xã hội Mỹ, bởi vì chủ nghĩa xã hội dân chủ dựa trên nền tảng quan trọng là: Chúng ta không có bản đồ chi tiết cho con đường này, vì vậy mở rộng nền dân chủ bao gồm tất cả chúng ta vừa là phương tiện vừa là mục đích.

Vấn đề của chủ nghĩa tư bản không chỉ là một hệ thống vận hành bằng tầng lớp tinh hoa giàu có, thèm khát lợi nhuận vốn và luôn đem lại sự bất ổn, hay việc nó bỏ rơi những tầng lớp xã hội nghèo đói trên đường phố. Vấn đề là nó phụ thuộc vào chế độ độc tài của người giàu. Sự khác biệt cơ bản mà chúng ta kỳ vọng ở một xã hội xã hội chủ nghĩa là tất cả chúng ta đều sẽ có tiếng nói trong những quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta. Nơi làm việc sẽ được sở hữu bởi các công nhân điều hành chúng, hơn là một ông chủ được ủy quyền.

Hệ thống chính trị sẽ có tính dân chủ thật sự hơn là hệ thống được điều hành bởi những người đã mua các chính trị gia. Đời sống gia đình sẽ dân chủ hơn, và sẽ không có ai phải phụ thuộc vào một người kiếm tiền chỉ để sống sót, bởi vì các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe có sẵn cho tất cả mọi người, và được điều hành dưới sự giám sát của cộng đồng. Cuối cùng, đầu tư chính phủ sẽ là dân chủ, hơn là được quyết định bởi các nhà tài trợ doanh nghiệp hay các tay chơi phố Wall. Nói cách khác, khi đó chúng ta sẽ có sự tự do đích thực, trong khi các lựa chọn sẵn có với chúng ta hiện tại lại phụ thuộc vào cảm giác bất chợt của một vài người.

*

Nó đơn giản hơn nhiều: Bảo hiểm xã hộiSamuel Hammond, giám đốc nghiên cứu đói nghèo và phúc lợi ở Viện Cố vấn thị trường tự do Niskanen Center

Gần một thế kỷ sau khi cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký quyết định thông qua đạo luật An sinh Xã hội (ngày 14/08/1935), đạo luật này vẫn là di sản lâu đời nhất của ông, giúp cho hơn 22 triệu người về hưu thoát khỏi đói nghèo mỗi năm, và bảo vệ thêm hàng triệu người khỏi rủi ro của việc sống lâu hơn số tiền tiết kiệm của họ. Tuy vậy, nhìn chung, chúng ta không xem An sinh Xã hội là “xã hội chủ nghĩa”.

Vì sao chúng ta không nên làm vậy? Không chỉ vì An sinh Xã hội là chi tiêu chính phủ lớn nhất (chiếm 1/3 ngân sách, gần 1.000 tỷ USD mỗi năm), mà còn vì việc thiết lập An sinh Xã hội có nghĩa là, kể cả những tín đồ của chủ nghĩa cá nhân khỏe mạnh nhất nước Mỹ cuối cùng cũng phải tuân thủ nghĩa vụ công dân của anh ta/cô ta.

Thái độ tích cực của doanh nhân Mỹ và một nhà nước đa dạng khổng lồ đến từ việc là đất nước của những người nhập cư, những điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ không bao giờ có được thương hiệu uy tín cao về dân chủ xã hội mà ai đó có thể tìm thấy ở Bắc Âu. Tuy nhiên, thành công của An sinh Xã hội đem lại một gợi ý gồm hai từ về cách thức mà nước Mỹ có thể trở nên “xã hội chủ nghĩa” hơn chỉ sau một đêm: Bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội là tập hợp công các rủi ro mà các thị trường vật lộn để duy trì chúng, từ các điều kiện y tế tồn tại trước khi được bảo hiểm cho đến việc đột ngột mất việc. Nó có thể được thực hiện một cách có hiệu quả bởi bất kỳ chính phủ nào đủ năng lực cắt giảm các chi phiếu. Và trong khi tính quan liêu của các nhà quản trị An sinh Xã hội có thể rất khó chịu, dường như bảo hiểm xã hội tương thích một cách hoàn hảo với thương hiệu đa chủng tộc uy tín thấp của nước Mỹ. Điều này cho thấy là con đường phía trước của các nhà xã hội chủ nghĩa Mỹ không phải là chiếm lấy phố Wall, mà là những con đường ở Hartford, Connecticut – thủ đô ngành công nghiệp bảo hiểm của đất nước này.

*

Hãy quên đi nền dân chủ xã hội. Nước Mỹ đã sẵn sàng cho chủ nghĩa xã hội thật sựJoe Guinan, giám đốc điều hành Next System Project (Dự án Hệ thống kế tiếp) thuộc tổ chức Democracy Collaborative (Hợp tác Dân chủ)

Khi chủ nghĩa xã hội đến Mỹ, nó sẽ không phải là chủ nghĩa xã hội “một cỡ cho tất cả” – dù nó sẽ có những khát vọng và những khía cạnh tổng quát. Nó sẽ được thực hiện từ dưới lên, thay vì áp đặt từ trên xuống, tuân theo các truyền thống tốt nhất của nước Mỹ – có thể thu hút nhiều thí nghiệm đa dạng ở các “phòng thí nghiệm dân chủ” địa phương và nhà nước, giống như New Deal (các chương trình và dự án khôi phục sự giàu có của nước Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế từ 1933-1935 dưới thời tổng thống Franklin D. Roosevelt).

Nó sẽ có tính dân chủ, phi tập trung hóa và tập thể quyết định (cho phép mọi người đều tham gia quyết định). Nó sẽ cắm rễ vào sự công bằng tình dục, giới tính, chủng tộc, gợi lại câu thơ của Langston Hughes (trong bài thơ Let America be America Again / Để nước Mỹ lại là nước Mỹ) về một vùng đất “chưa bao giờ, nhưng phải là – vùng đất mà mọi người đều tự do”.

Nó sẽ tháo gỡ, thay vì áp đặt một trại cải tạo Mỹ như hiện tại – thể chế bỏ tù hàng loạt theo chủng tộc có tỉ lệ dân số ở tù cao nhất thế giới. Nó sẽ là việc sống một cách an toàn, khôn ngoan và sống tốt trong một cộng đồng đang phát triển, trong sự đoàn kết với muôn loài, thay vì đi quá xa những biên giới sinh thái để theo đuổi việc tích lũy tài chính.

Đây sẽ là chủ nghĩa xã hội thật sự, thay cho nền dân chủ xã hội hay chủ nghĩa tự do, bởi vì nó sẽ xã hội hóa phương tiện sản xuất, mặc dù không phải tất cả các loại hình phương tiện đó đều tập trung trong tay nhà nước. Thay cho của cải tập trung sẽ là sự phân tán quyền sở hữu rộng rãi. Thay cho các thị trường toàn cầu không xung đột sẽ là nền kinh tế địa phương có tính tái luân chuyển, tập thể quyết định, cắm rễ. Thay cho các tập đoàn đa quốc gia bóc lột sẽ là công ty thuộc sở hữu chính quyền, cộng đồng, công nhân. Thay vì tư hữu hóa bán tài sản thì sẽ là vô số các doanh nghiệp công dân chủ. Thay cho việc tạo ra tín dụng tư nhân bởi các ngân hàng thương mại và tài chính nhà đầu tư sẽ là sức mạnh tiềm năng to lớn của các ngân hàng công và tài chính chính phủ tự chủ, những thứ khiến chúng ta nhớ đến Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt.

*

Một giải pháp thay thế mới mẻ cho hệ thống tư bản chủ nghĩa Mỹ là bất kỳ điều gì nhưng phải tự doThomas Hanna, giám đốc nghiên cứu của Democracy Collaborative (Hợp tác Dân chủ)

Một hình thức chủ nghĩa xã hội thực tiễn ở Mỹ trong thế kỷ 21 sẽ xảy ra khi quyền sở hữu dân chủ thay thế và thế chỗ mô hình doanh nghiệp bóc lột thống trị hiện nay. Không có một hình thức sở hữu dân chủ duy nhất nào là lý tưởng mà có nhiều hình thức đa dạng: Sở hữu nhà nước đầy đủ, sở hữu nhà nước từng phần, sở hữu chính quyền/địa phương, sở hữu nhiều cổ đông, sở hữu công nhân, sở hữu hợp tác người tiêu dùng, sở hữu hợp tác nhà sản xuất, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân địa phương bền vững.

Bất chấp mọi tu từ về “thị trường tự do”, hệ thống tư bản chủ nghĩa Mỹ là bất kỳ điều gì ngoại trừ thị trường tự do. Hệ thống đó đã phụ thuộc nặng nề vào liều thuốc chính sách, quy định, sự quản trị chính phủ và những can thiệp đi kèm ở các cấp độ khác nhau – thậm chí trong một số trường hợp còn giống với hoạch định mềm, ví dụ như trong khu vực trang trại.

Một mặt, không thể tránh khỏi việc một số hỗn hợp thị trường và hoạch định sẽ là một đặc điểm của một hệ thống xã hội chủ nghĩa Mỹ, với sự tham gia có tính dân chủ hơn trong việc quyết định các ưu tiên dài hạn ở địa phương, khu vực và quốc gia một cách lý tưởng, ít nhất là lúc ban đầu. Mặt khác, nó sẽ có tính hợp lý cao hơn trong những nỗ lực hướng đến sự phát triển kinh tế công bằng về mặt địa lý, chưa kể việc xoay sở với hiểm họa biến đổi khí hậu đang gia tăng.

*

Một nhà nước phúc lợi hoàn toàn, một thị trường lao động được chuyển hóa và sở hữu nhà nước về các phương tiện sản xuấtRyan Cooper, nhà báo của The Week

Động lực đạo đức cho sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể là chủ nghĩa quân bình lấy từ John Rawls (1921-2002, một nhà triết học chính trị và đạo đức người Mỹ theo truyền thống tự do), chúa Jesus hay bất kỳ ai. Mục đích cơ bản sẽ là sử dụng của cải được phát triển bởi hoạt động tập thể của nền kinh tế đại diện cho toàn bộ dân chúng, bởi vì thật không công bằng khi để một thiểu số tinh hoa ngốn sạch phần thu nhập và của cải cực lớn trong khi hàng triệu người không có tiền hoặc chỉ vừa đủ sống.

Nhìn chung, có ba mục đích chính của chính sách xã hội chủ nghĩa là có ý nghĩa nhất.

Đầu tiên là một nhà nước phúc lợi hoàn toàn mà trong đó nhà nước sẽ nắm bắt từng nhóm người vừa mất việc hoặc không thể làm việc – thất nghiệp, trẻ em, sinh viên, người già, khuyết tật, người cần sự chăm sóc v..v. Khi hoàn thành, nhà nước phúc lợi sẽ loại bỏ động cơ tư bản chủ nghĩa là làm việc do bị đe dọa không có tiền, và thay thế nguy cơ đó bằng lời mời gọi về chỗ làm việc, đào tạo và hơn thế nữa.

Thứ hai, đó sẽ là một thị trường lao động đã chuyển hóa có tính cấp tiến, trong đó hầu như mọi công nhân đều có mặt trong công đoàn, có hợp đồng công đoàn, khác biệt lương giữa lao động phổ thông và có trình độ được thu hẹp mạnh mẽ, và công nhân sẽ nắm từ 33-50% số ghế ban giám đốc doanh nghiệp. Đó là quyền sở hữu nhà nước trực tiếp về phương tiện sản xuất, thông qua việc xây dựng các doanh nghiệp nhà nước có năng suất, quốc gia hóa một số công ty chủ chốt, hoặc biến một số lớn các tổ chức doanh nghiệp thành các quỹ của cải xã hội (như Alaska đã làm).

Điều cuối cùng là cái cơ bản nhất, theo tôi nghĩ, đó là chính sách xã hội chủ nghĩa cần thiết để thật sự đánh đổ sự bất công. Ngày nay, một phần ba tổng thu nhập quốc gia chảy vào tư bản mà quyền sở hữu của nó ngày càng được tập trung vào ít người hơn. Trên thực tế, tất cả mọi sự tăng trưởng 1% thu nhập của top đầu kể từ năm 2000 đều là của tư bản.

*

Thị trường tự do không đủ để giải quyết những vấn đề chúng ta đối mặtSean McElwe, nhà văn và đồng sáng lập tổ chức Data for Progress (Dữ liệu cho Phát triển)

Chủ nghĩa xã hội về cơ bản là một ý tưởng đơn giản, đó là các giá trị dân chủ nên định hướng nền kinh tế của chúng ta hướng tới việc tối đa hóa sự phát triển con người, thay vì tích lũy tư bản. Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận những quyết định mà chính phủ của chúng ta dành riêng cho người da trắng giàu có, và chúng ta không nên chấp nhận những quyết định về nền kinh tế của chúng ta được thực hiện theo cách đó.

Về mặt lịch sử, nhóm người da trắng giàu có không phải là những người phục vụ tốt nhất cho các lợi ích chung của nhân loại.

Khi nền kinh tế của chúng ta không dân chủ, việc chính phủ có sự dân chủ là một điều bất khả thi. Chúng ta không thể lèo lái xã hội của chúng ta hướng tới sự thỏa mãn tối đa một cách có hiệu quả khi các lợi ích của tư bản được đặt lên trên các lợi ích được chia sẻ của cộng đồng.

Lấy ví dụ về biến đổi khí hậu, một bài toán đơn giản. Các doanh nghiệp lớn nhất của chúng ta có nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mà nếu bị đốt cháy sẽ đẩy mật độ carbon toàn cầu lên cao hơn hai lần ngưỡng nguy hiểm. Lựa chọn cũng đơn giản: Nhân loại tồn tại, và các công ty viết giấy xóa nợ, hoặc các công ty duy trì lợi nhuận và sự sống loài người bị tuyệt chủng.

Các nhà xã hội chủ nghĩa khác với các đảng viên Dân chủ tự do như thế nào?

Đầu tiên, các nhà xã hội chủ nghĩa nhận ra rằng chỉ thị trường thôi thì không đủ để giải quyết các vấn đề chúng ta đang gặp phải. Hiện nay, vốn hóa thị trường của một vài công ty nhiên liệu hóa thạch cũng đủ để được ưu tiên hơn ý chí của cả cộng đồng quốc tế chứ không chỉ ý chí của cử tri Mỹ. Hơn nữa, một nền kinh tế phải được đưa ra khỏi những bàn tay thị trường, không chỉ là sản xuất năng lượng mà cả chăm sóc sức khỏe, thông qua liều thuốc xã hội chủ nghĩa hóa.

Thứ hai, những người xã hội chủ nghĩa nhận ra rằng, một nhà nước phúc lợi dựa trên chế độ thực dân không phải là một mục tiêu tiến bộ. Mỹ, theo lưu ý của nhiều chính trị gia dân chủ, là quốc gia giàu nhất thế giới. Sự giàu có đó được xây dựng trên bạo lực tồi tệ và giết chóc trên phạm vi toàn cầu. Đó là nguồn lợi nhuận của đế chế. Một nền chính trị xã hội chủ nghĩa sẽ nỗ lực vì một nền tảng phân phối thu nhập toàn cầu tiến bộ hơn.

Những người xã hội chủ nghĩa tin rằng, nếu không có sự kiểm soát dân chủ với tư bản và sự kết thúc của chế độ thực dân, các mục tiêu của chủ nghĩa cấp tiến sẽ không được hoàn thành. Những người xã hội chủ nghĩa tranh luận rằng chủ nghĩa tư bản không tương thích với dân chủ. Với những ai không đồng ý, chúng tôi đặt ra một câu hỏi đơn giản: Nơi nào sẽ được quét dọn sớm hơn, vốn hóa thị trường của ExxonMobil hay thành phố Miami (thành phố này bị tàn phá nặng nề bởi siêu bão Irma vào tháng 9/2017 – Người dịch)?

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET
0

Vụ George Floyd hủy hoại những nỗ lực của Mỹ bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới

Hình ảnh một người Mỹ da đen bị một viên cảnh sát da trắng ghì gáy đến ngạt thở, rồi cái chết của George Floyd dẫn đến bạo động và hỗn loạn lan từ Minneapolis đến nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ đang làm « suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ ».


Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien hôm 01/06/2020 nêu đích danh Trung Quốc, Iran và trong một chừng mực nào đó là nước Nga, « Những đối thủ của Mỹ sẽ lợi dụng khủng hoảng này để gây thêm chia rẽ nhằm làm suy yếu nền dân chủ của Hoa Kỳ » . Đó là những quốc gia thường xuyên bị Washington chỉ trích trà đạp nhân quyền. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, lãnh đạo ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ và là một đồng minh của tổng thống Trump báo động nhiều tài khoản trên các mạng xã hội ít nhiều liên quan đến « ba đối thủ nước ngoài » của Mỹ đang « đổ thêm dầu vào lửa, châm ngòi cho bạo động ».

Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif không ngần ngại cho rằng hình ảnh George Floyd bị cảnh sát « ghì gáy », gây « áp lực tối đa » phản ánh lối hành xử của chính quyền Trump nhắm vào 80 triệu dân Iran. Tại Matxcơva phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Maria Zakharova mỉa mai cho rằng như thường lệ mỗi lần có vấn đề Mỹ luôn quy trách nhiệm cho Nga, lần này cũng vậy Washington rồi sẽ tìm cách giải thích vụ án mạng dẫn tới bạo động lần này cũng do Nga « xúi giục ».

Nhưng đáng chú ý hơn cả là phản ứng của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ-Trung tranh hùng trên tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chiến lược, ngoại giao... Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng … Hoa Vi, virus corona hay Tổ Chức Y Tế Thế Giới … là muôn vàn những mặt trận Washington-Bắc Kinh đang đọ sức với nhau. Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội xoáy vào « điểm nhậy cảm » của đối phương.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong hai ngày họp báo liên tiếp đã trở lại với bạo động tại Hoa Kỳ khi nêu lên câu hỏi « Tại sao Washington luôn ca ngợi các cuộc xuống đường ở Hồng Kông nhưng lại xem người biểu tình chống tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ là những kẻ bạo loạn ? ».

Cũng ông Triệu kêu gọi Hoa Kỳ « chấm dứt kỳ thị chủng tộc và bảo vệ các cộng đồng thiểu số » trong lúc Quốc Hội lưỡng viện Mỹ đã có dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, tố cáo Bắc Kinh « giam giữ tùy tiện, tra tấn và sách nhiễu » cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi.

Hình ảnh cảnh sát Mỹ hành hung một George Floyd, hay những người biểu tình ở Minneapolis, và kể cả một số phóng viên Mỹ và quốc tế đến đưa tin, đang vô hiệu hóa những chỉ trích của Washington lên án Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hồng Kông. Đạo luật này vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua hôm 28/05/2020 nhằm « ngăn cản, chận đứng và trừng phạt mọi hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, như các hoạt động ly khai, lật đổ chế độ, khủng bố và sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài ».

Điều tai hại hơn nữa, theo phân tích của nhà báo Dorian Malovic, tổng biên tập chuyên về châu Á thuộc báo Công giáo La Croix, lập trường cứng rắn của tổng thống Donald Trump dọa triển khai quân đội để « dẹp loạn », « tái lập trật tự » bằng « luật pháp » vô hình chung « bật đèn xanh » cho ông Tập Cận Bình huy động quân đội đàn áp người biểu tình Hồng Kông, nhất là vào dịp đêm Canh Thức tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn. Từ năm 1989 tới nay, người dân Hồng Kông luôn tổ chức tưởng niệm phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh đã bị đàn áp đẫm máu.

Dù vậy như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Robert O'Brien, ghi nhận khác biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là « viên cảnh sát đã gây ra cái chết cho George Floyd sẽ bị điều tra, truy tố và sẽ xét xử trong một cách công bằng ». Khác biệt thứ nhì quan trọng không kém là « những người Mỹ biểu tình ôn hòa không sợ bị tống giam ».

Không một ai ngây thơ để có thể tin rằng, Iran, Trung Quốc hay Nga chỉ trích chính quyền Trump vì muốn bênh vực những cộng đồng người Mỹ gốc Phi đang bị phân biệt đối xử và kỳ thị. Có điều như cựu tổng thống Barack Obama ghi nhận « sức mạnh của Hoa Kỳ có được bởi nước Mỹ luôn là tấm gương sáng cho thế giới noi theo ». Khủng hoảng lần này và chủ trương của Nhà Trắng đang làm mất uy tín của nước Mỹ trong công cuộc « bảo vệ nhân quyền ».

Nhà cựu ngoại giao có uy tín của Mỹ Richard Haass trên mạng xã hội Twitter lo ngại rằng vụ án mạng George Floyd và dư âm kèm theo tạo cơ hội cho một số quốc gia trên thế giới « thách thức » Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ hình ảnh hay uy tín của nước Mỹ ở thời điểm này không phải là ưu tiên của Donald Trump. Ông chỉ theo đuổi một mục tiêu: trong 5 tháng nữa, vẫn giữ được Nhà Trắng. Trên mạng Twitter tổng thống Mỹ viết hàng chữ hoa « 3 Tháng 11 ».


Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200603-v%E1%BB%A5-george-floyd-h%E1%BB%A7y-ho%E1%BA%A1i-nh%E1%BB%AFng-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-t%E1%BB%B1-do-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-v%C3%A0-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi
0

Trump: Google phải bị điều tra về cáo buộc phản quốc

Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ xem xét các mối liên hệ bị cáo buộc giữa Google và Trung Quốc.


Trump hứa sẽ xem xét các cáo buộc của tỷ phú công nghệ Peter Thiel về công ty Google

Công bố này được đưa ra sau bài phát biểu của tỷ phú Peter Thiel, trong đó, nhà đầu tư công nghệ này đặt câu hỏi liệu quản lý cấp cao của Google có cho rằng mình đã bị các điệp viên Trung Quốc xâm nhập hay không.

Ông Thiel cũng đặt câu hỏi tại sao Google lại đưa ra "quyết định có vẻ phản bội khi làm việc với quân đội Trung Quốc" mà không phải là quân đội của Mỹ.

Google bác bỏ họ có các mối quan hệ như vậy.

Nhưng công ty công nghệ khổng lồ này vẫn chưa phản hồi tuyên bố của Tổng thống.

Trong một tweet, Donald Trump mô tả ông Thiel là một "người tuyệt vời và xuất sắc, người hiểu rõ chủ đề này hơn bất kỳ ai".

Cho đến nay, tweet đã thu được 7.000 lượt tweet lại và hơn 24.000 lượt thích.

Những bình luận từ ông Thiel, người từng là một trong những người ủng hộ chính của ông Trump ở Thung lũng Silicon, đã được đưa ra trong một bài phát biểu tại hội nghị Bảo thủ Quốc gia ở Washington DC vào cuối tuần này.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Thiel cũng đặt câu hỏi liệu loại hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển bởi công ty chị em của Google là DeepMind có nên được coi là một "vũ khí quân sự" tiềm năng hay không.

Ông Thiel là một nhà đầu tư sớm vào công ty khởi nghiệp thông minh nhân tạo (AI) có trụ sở tại London trước khi công ty này được mua lại bởi công ty mẹ của Google là Alphabet.

DeepMind nói rằng họ không muốn bình luận về sự kiện.

Nguồn: BBC
0

Trump: Google phải bị điều tra về cáo buộc phản quốc

Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ xem xét các mối liên hệ bị cáo buộc giữa Google và Trung Quốc.


Trump hứa sẽ xem xét các cáo buộc của tỷ phú công nghệ Peter Thiel về công ty Google
0

Sự khác nhau về quyền lực giữa Hạ viện và Thượng viện Mỹ

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11, quốc hội Mỹ đã có sự phân chia lại quyền lực. Theo đó, đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau 8 năm. Một câu hỏi đặt ra là liệu bên nào quyền lực hơn.


Sau bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. (Ảnh: New York Times)

Hạ viện

Hạ viện gồm tổng cộng 435 nghị sĩ và được bầu lại 2 năm một lần. Số nghị sĩ đại diện mỗi bang tương xứng với dân số của bang đó. Hiện California có số đại biểu đông nhất trong Hạ viện với 53 người.

Cũng giống Thượng viện, Hạ viện có quyền đề xuất các dự luật mới hay các sửa đổi luật. Thành viên ở hai viện này đều được bổ nhiệm vào các ủy ban phụ trách các lĩnh vực khác nhau như ngân sách, tư pháp.

Hạ viện có quyền lực đặc biệt: quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập, phế truất các quan chức chính phủ, và bầu tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử.

Thượng viện

Thượng viện thường được coi là có thanh thế hơn một phần là bởi số thượng nghị sĩ ít hơn nhiều so với số hạ nghị sĩ ở Hạ viện. Ngoài ra Hiến pháp Mỹ cũng trao cho cơ quan này những thẩm quyền đặc biệt. Thượng viện có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ đại diện với nhiệm kỳ 6 năm.

Cố Tổng thống Mỹ George Washington được cho là từng giải thích về mục đích của Thượng viện thiên về thảo luận hơn là Hạ viện do Thượng viện quy mô nhỏ hơn và thành viên của Thượng viện phục vụ nhiệm kỳ lâu hơn nên bầu không khí tại Thượng viện ít đảng phái hơn và hợp tác hơn Hạ viện.

Hiến pháp Mỹ trao cho Thượng viện quyền “kiểm tra và cân bằng quyền lực” của các thành phần khác trong chính phủ liên bang với việc phê duyệt các đề cử của tổng thống, trong đó có các đề cử đối với chức vụ như thẩm phán Tòa án tối cao, và quyền bầu Phó Tổng thống trong trường hợp không có ai nhận đa số phiếu đại cử tri. Các thượng nghị sĩ cũng được trao quyền thông qua hay phủ quyết các hiệp ước của Mỹ với nước ngoài.

Thượng viện cũng có vai trò đặc biệt trong các cuộc điều tra cấp liên bang. Ví dụ, một ủy ban của Thượng viện đã điều tra bê bối Watergate vào những năm 1970, hay điều tra các cáo buộc quấy rối tình dục chống lại Thẩm phán Clarence Thomas vào những năm 1990.

Thông qua các quy trình luận tội bắt đầu ở Hạ viện, vấn đề sẽ được gửi tới Thượng viện. Thượng viện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tiến hành xét xử các vụ luận tội – điều mà họ đã làm với vụ luận tội Tổng thống Bill Clinton vào năm 1999. Để luận tội và phế truất tổng thống, cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ.

Cơ quan nào quyền lực hơn?

Mặc dù Thượng viện và Hạ viện có vai trò giống nhau là giám sát hoạt động của chính phủ, nhưng những người lập quốc ở Mỹ cũng trao cho họ những thẩm quyền riêng, Ross Baker, một giáo sư về chính trị Mỹ tại Đại học Rutgers cho biết.

“Họ có những vai trò riêng biệt. Ở Thượng viện, đó là về việc bổ nhiệm và về các hiệp ước, còn ở Hạ viện là về thuế và chi tiêu ngân sách”, ông Baker nói. Do vậy, việc phân định bên nào quyền lực hơn không hề dễ dàng.

Với việc giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ có thể chuẩn bị cho các phiên điều trần, các cuộc điều tra gần như tất cả các ngóc ngách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất – kế hoạch luận tội tổng thống – thì dường như không thay đổi. Với việc đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát Thượng viện, ít khả năng đảng Dân chủ sẽ tìm cách luận tội Tổng thống Donald Trump. Điều này bởi việc luận tội sẽ khó qua ải Thượng viện.

Minh Phương

Theo New York Times
0

Donald Trump và 5 cuộc chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới


Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Khi nói đến tình hình thế giới hiện nay, câu chuyện cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và xa hơn một chút là nguy cơ đối đầu toàn diện về kinh tế, chính trị, chiến lược, khoa học kỹ thuật giữa cường quốc số một và số hai trong việc tranh ngôi bá chủ toàn cầu cùng các tác động của cuộc đối đầu này dường như đang chi phối mối quan tâm của thế giới.


Cuộc đối đầu này sẽ kéo dài bao lâu? Sau nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hay sẽ kéo dài tới 45 năm như Chiến tranh lạnh Mỹ – Xô trước đây? Khó ai có thể dự báo chính xác, nhưng chắc chắn sẽ không kết thúc nhanh chóng.

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã “chuẩn bị tinh thần” cho giới lãnh đạo chính trị và kinh doanh Trung Quốc rằng Trung Quốc và thế giới cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ có thể kéo dài đến 20 năm, tức sẽ kéo dài nhiều năm sau khi Trump không còn là Tổng thống Mỹ nữa.

Ở một góc độ nào đó, việc dư luận quan tâm đến khía cạnh thương mại và đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc này là đúng nhưng chưa đủ vì nó mới chỉ phản ánh được một phần những chuyển động lớn đang chi phối cục diện thế giới hết sức phức tạp hiện nay.

Tạm thời chưa bàn đến chiến lược mới của Trung Quốc nhằm định vị lại vị thế quốc tế mới của mình và nỗ lực xây dựng một trật tự và hệ thống quan hệ quốc tế mới trong bài viết này, mà chỉ tập trung vào những chuyển động lớn từ Mỹ bắt đầu từ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Rất khó để hiểu chính xác Trump, ông ta muốn gì, sẽ làm gì, làm như thế nào và làm được đến đâu. Việc lãnh đạo Trung Quốc không hiểu rõ, phán đoán sai, rồi có những bước đi khiến “cuộc chiến thương mại” lúc đầu tưởng như chỉ bắt đầu từ những “xích mích” nhỏ, rồi lan ra thành cuộc đối đầu kinh tế, thương mại toàn diện… cần xem là chuyện “bình thường”.

Ngay chính trong lòng nước Mỹ, dù thích hay không thích nhưng có một thực tế là không chỉ các đối thủ, mà ngay các đồng minh chính trị cũng không hiểu Tổng thống muốn gì, còn người dân và giới doanh nghiệp thì “thấp thỏm” chờ đợi các dòng “tweets” hàng ngày của Tổng thống để phán đoán hành động tiếp theo. Chưa kể sự thể còn bị “rối bung” khi hàng ngàn tờ báo từ cánh tả tới cánh hữu lao vào bình luận, mổ xẻ, phân tích, rồi bút chiến nhằm dẫn dắt dư luận theo nhiều chiều hướng khác nhau khiến thông tin trở nên “nhiễu loạn”.

Tất cả những cái đó rất dễ dẫn dắt người đọc, dư luận đi vào các tiểu tiết, hoặc bỏ qua và không thể nhìn thấy các chiều hướng chính sách, các chuyển động lớn sẽ chi phối nước Mỹ và nền chính trị thế giới trong nhiều thập niên tới, được khái quát thành “5 cuộc đại chiến” của Trump.

Ở đây chưa bàn đến cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của các cuộc chiến này. Nhưng đây là thực tế những gì Trump đang làm và dù thích hay không thì nước Mỹ và thế giới cũng phải sống chung và thích ứng với thực tế này chừng nào mà Donald Trump vẫn còn là Tổng thống Mỹ.

Tìm đọc nhiều tư liệu, nhưng tôi cũng kinh ngạc khi phát hiện dường như trong lịch sử thế giới cận đại gần 500 năm qua, THẾ GIỚI CHƯA TỪNG CHỨNG KIẾN một nhân vật lãnh đạo nào của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như Donald Trump lại cùng lúc phát động 5 “cuộc chiến sống mái” trên 5 mặt trận khác nhau.

Cần nhớ, trong các bài học lịch sử kinh điển, chỉ cần thắng hay thua trong một cuộc chiến, chỉ một cuộc chiến thôi, đã đủ để lưu danh muôn thuở hay chôn vùi vĩnh viễn danh tiếng bất kì một tổng thống nào của nước Mỹ.

Vậy 5 cuộc chiến đó là gì?

Cuộc chiến thứ nhất: Xác lập “giá trị bảo thủ” và tìm cách đẩy lui các “giá trị tự do”
Cuộc chiến này thể hiện qua cuộc đấu quyết liệt giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ qua việc đề cử Thẩm phán Brett Kavanaugh vào vị trí thẩm phán suốt đời tại Tòa án tối cao (Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ) gồm 9 người thay cho Thẩm phán Anthony Kennedy. Thẩm phán Kennedy được Tổng thống (TT) Reagan bổ nhiệm năm 1987 và về hưu năm 2018 sau 31 năm ở cương vị này.

Việc đề cử vị trí thẩm phán thứ 9 Tòa án tối cao diễn ra ngay trong nhiệm kỳ đầu của TT Cộng hòa Trump và trùng hợp với thời điểm đảng Cộng hòa đang kiểm soát đa số (dù mỏng manh) tại Thượng viện, đang giúp TT Trump lựa chọn người cùng quan điểm qua đó ghi dấu ấn, tạo ảnh hưởng bảo thủ và góp phần định vị bản sắc của nước Mỹ trong nhiều thập niên sau này. Tất nhiên, cần hiểu rõ đây không phải là những quan niệm bảo thủ hay tự do mà ta và nhiều nước khác quan niệm, mà chủ yếu liên quan đến các vấn đề xã hội, tôn giáo, thuế, tự do cá nhân và đạo đức của người Mỹ.

Vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện là vị trí đầy quyền lực trong hệ thống chính trị tam quyền phân lập tại Mỹ, có quyền giải thích hiến pháp, các đạo luật của Quốc hội, sắc lệnh của Tổng thống xem có vi hiến hay không, cho ý kiến về các vụ xét xử gây tranh cãi, dư luận quan tâm thông qua hình thức bỏ phiếu.

Lấy ví dụ về sắc lệnh cấm người Hồi giáo từ 6 quốc gia Hồi giáo nhập cư vào Mỹ khi Tổng thống Trump mới lên cầm quyền. Khi đó Tối cao Pháp viện phải ra phán quyết đây là sắc lệnh không vi hiến thì Sắc lệnh này của Tổng thống mới được thực thi.

Chỉ đơn cử một việc như vậy đã giải thích tại sao cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa một bên thì kịch liệt phản đối, còn bên kia thì ủng hộ bằng mọi giá ứng cử viên Thẩm phán Tối cao Pháp viện thông qua cuộc Điều trần đang diễn ra và tiếp theo là màn bỏ phiếu hết sức gay cấn ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.

Và cũng cần nhắc lại là các Tổng thống Mỹ như Ronald Reagan, Bill Clinton, George Bush từng không thành công lần đầu khi các ứng viên cho vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện của mình không vượt qua được vòng điều trần hoặc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Cuộc chiến thứ hai: Chống lại ngay chính đảng đề cử mình để bảo vệ những giá trị bảo thủ cốt lõi của những người Cộng hòa theo quan điểm của Trump
Đây là điều tưởng chừng là nghịch lý, nhưng lại là thực tế. Lần ngược lại thời gian trước cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, Trump khi đó bị những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng hòa xem là “đứa con hoang” (pariah), đi ngược dòng chủ lưu.

Nhưng trái với hầu hết các dự báo, Trump – một người chưa hề có kinh nghiệm chính trường – lần lượt đánh bại từng đối thủ một vốn là các nhân vật lãnh đạo gạo cội và “ngôi sao” trong đảng Cộng hòa như Rand Paul, Mitch Romney, McGovern…

Thông thường trong chính trị Mỹ “cuộc chiến nội bộ” thường kết thúc khi đã có phân định thắng thua. Tuy nhiên, với Trump thì ngược lại. Với tỷ lệ ủng hộ lên tới 85% các cử tri Cộng hòa, Trump gần như không có các đối thủ nặng ký trong đảng Cộng hòa nên mạnh tay tấn công các “cây đa, cây đề”, các thiết chế mà Trump xem là “trì trệ” trong đảng Cộng hòa để xây dựng liên minh mới, thúc đẩy các ý tưởng bảo thủ và cải cách.

Còn các lãnh đạo Cộng hòa trong khi tiếp tục tận dụng ảnh hưởng của Trump để mở rộng uy tín của Đảng, thì cũng đấu quyết liệt không kém với Trump trong nội bộ đảng để chống lại một số cải cách mà họ xem là “nguy hại” cho nước Mỹ, tìm cách duy trì các thiết chế cũ cũng như dòng tư tưởng chủ lưu. Tuy nhiên, đối với nhiều nghị sĩ thì việc duy trì trật tự cũ còn là cách để họ tiếp tục duy trì ảnh hưởng và tiếp tục được hưởng các “đặc quyền, đặc lợi”.

Cuộc chiến thứ ba: Chống lại các thiết chế đã định hình và sự “trì trệ” của nước Mỹ
Nếu chỉ đọc qua về sự “trì trệ” của nước Mỹ, người đọc dễ liên tưởng đây là câu chuyện hoang tưởng, nhưng đó lại phản ánh một phần sự thật. Nước Mỹ từ lâu vốn được xem là quốc gia năng động bậc nhất, là nơi tập trung các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, là nơi có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhất thế giới, nơi luôn khuyến khích sự sáng tạo, các ý tưởng lạ. Tóm lại, nước Mỹ được nhìn nhận là quốc gia luôn thay đổi và biết cách “tự làm mới” mình liên tục.

Còn nhớ câu chuyện giữa những năm 1980, cách đây quãng ba chục năm, khi đó Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev đưa ra ý tưởng “cải tổ” và “công khai hóa” (“perestroika” and “glasnost”) đã làm thế giới phát sốt, còn nước Mỹ thì bị lo qua mặt. Khi đó có nhà báo hỏi Tổng thống Ronald Reagan là nước Mỹ có ý định thực thi “cải tổ” và “công khai hóa” như Gorbachev đang theo đuổi hay không thì câu trả lời của Reagan, đại ý là: Gorbachev đang làm cái việc mà đáng ra các nhà lãnh đạo Liên Xô phải làm từ lâu, nhưng họ đã không làm và để vấn đề tích tụ lại. Mỹ không cần “cải tổ” hay “công khai hóa” vì đây là việc Mỹ làm thường xuyên.

Kết quả là “cải tổ” và “công khai hóa” của Gorbachev thiếu một tầm nhìn và cách làm bài bản đã đưa Liên Xô và hệ thống Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đến chỗ sụp đổ, còn khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) của Reagan cùng chính sách kinh tế Reaganomics và “làm mới lại nước Mỹ ngay trên đất Mỹ” đã giúp nước Mỹ hùng mạnh trở lại trên mọi phương diện vào đầu những năm 1990.

Quay trở lại nước Mỹ trước khi Trump lên cầm quyền. Từ góc độ của một nhà kinh doanh thành đạt trên đỉnh cao sự nghiệp và góc nhìn mới của một chính trị gia Trump cảm thấy hết sức “thất vọng” vì nước Mỹ đang trở nên già nua, xơ cứng, có quá nhiều “trì trệ”, sức ỳ, quá nhiều rào cản. Bên cạnh đó, quá nhiều thế lực hùng mạnh trong giới chính trị, kinh doanh, truyền thông… sẵn sàng liên kết, ra tay bóp nghẹt các ý tưởng mới để bảo vệ đặc quyền của mình, mà như từ ngữ ta hay dùng là lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm ở nước Mỹ hiện quá hùng mạnh, bám rễ quá sâu nên các nhóm này sẵn sàng liên kết, tiến hành “chiến tranh tổng lực” chống lại Trump và toàn bộ chính quyền của ông ta đến cùng. Ngược lại, để thực hiện cam kết tranh cử đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, Trump, với tác phong và cách làm “phi truyền thống”, cũng lao vào ăn thua đến cùng với nhóm lợi ích.

Đỉnh điểm là ngày 16/8/2018 vừa qua, cùng lúc 350 tờ báo trên khắp nước Mỹ, trong đó có những tờ lâu đời và nổi tiếng như Boston Globe, The New York Times, Washington Post, Philadelphia Inquirer… đồng loạt đăng xã luận, công kích chính quyền Trump, coi cá nhân và Chính quyền Trump là mối đe dọa lớn nhất đối với tự do báo chí – vốn từng được coi là một trụ cột quan trọng trong xã hội Mỹ cùng với tam quyền phân lập.

Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử và xã hội Mỹ từ xưa đến nay. Nói đến đặc quyền của báo chí Mỹ thì phải kể đến câu chuyện cách đây 36 năm, chỉ với tờ Washington Post đi tiên phong, cùng các phóng sự của hai nhà báo điều tra gạo cội là Carl Bernstein và Bob Woodward đã góp phần “hạ bệ” Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon trong vụ Watergate. Với sức mạnh của báo chí tới mức có thể “làm nên” hay “làm tiêu tùng” (make or break) sự nghiệp của một Tổng thống như vậy nên các chính trị gia thường chọn cách “dĩ hòa vi quý” thay vì làm “mếch lòng” báo chí.

Tuy nhiên, Trump thì khác hẳn, chọn ngay cách đối đầu với báo chí “không cùng phe” điển hình là CNN, Washington Post, The New York Times. Trump sử dụng con bài nhất quán ngay từ đầu là coi ba tập đoàn truyền thông lớn này cùng các bài báo chỉ trích cá nhân và chính quyền của mình là “báo chí của phe Dân chủ” và chuyên đăng “tin giả” (fake news)! Nói cách khác, Trump đánh trực tiếp vào tính chính danh và sự khách quan của báo chí “không cùng phe”.

Nhìn một cách công bằng, sự ra đời của Internet, và cùng với nó là các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat, YouTube… trong những năm qua đã làm giảm đáng kể quyền lực của các “ông lớn” truyền thông trong khi các ông lớn này vẫn ngủ quên trên đỉnh cao quyền lực thời hoàng kim. Mặt khác, sự phân hóa Xã hội Mỹ về mọi mặt, từ câu chuyện ranh giới giàu nghèo, thu nhập, đẳng cấp, sự hình thành giới chính trị gia “xa lông” ngày càng tách rời tầng lớp “thấp cổ bé họng”… dưới tác động đa chiều của Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa đã tác động mạnh, làm báo chí mất đi sự trung lập vốn có và khiến báo chí cũng phân làn rõ rệt. Trước đây thì rất khó phát hiện, nhưng nay chỉ cần cầm một tờ báo bất kì, đọc qua vài bản tin hoặc bật xem TV vài phút là có thể nói tương đối chính xác thiên kiến chính trị của tờ báo hoặc một hãng truyền thông nào đó.

Do đó, khá dễ hiểu là 350 tờ báo cùng lúc đả kích Trump nhưng lại ít nhiều đều chia sẻ các quan điểm chính trị như nhau. Và như thường lệ, chỉ vài dòng “Tweets” với 50 triệu người theo dõi mỗi ngày, Trump dễ dàng “vô hiệu hóa” các xã luận trên. Trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển, các Tổng thống, chính trị gia thường đứng im chịu trận. Nhưng nay, Trump cũng lên tiếng “đòi” được đối xử công bằng, không bị báo chí tấn công một chiều!

Tuy nhiên, chủ đích cuối cùng của Trump là “vô hiệu hóa” sự chỉ trích của đối thủ, khiến ông ta có vị thế áp đảo trong giới truyền thông, từ đó gây ảnh hưởng, truyền tải các thông điệp chính trị.

Trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, quản trị đất nước…. Trump cũng có những cách làm “lạ đời”, giúp tiết kiệm hàng chục triệu giờ công lao động hoặc hàng tỷ USD tiền đóng thuế của người dân, doanh nghiệp, cụ thể là:

– Trump ngay khi nhậm chức đã yêu cầu Boeing phải xem xét và đàm phán lại Hợp đồng mà Chính quyền Tổng thống Obama đã ký trước đó để mua hai máy bay “Không lực số một” (Air Force One) giao hàng vào năm 2024 vì giá quá cao. Boeing đứng trước tình thế phải đàm phán lại nếu không có nguy cơ bị hủy hợp đồng. Kết quả là cặp máy bay nay chỉ còn giá 3,9 tỷ USD, từ giá “trên trời” là 5,3 tỷ USD, tức giảm khoảng 25% giá ban đầu.

– Tương tự như vậy, Trump và Lầu Năm Góc cũng buộc hãng Lockheed Martin, nhà cung cấp máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm phải đàm phán lại và giảm giá từ 95 triệu USD/1 chiếc F-35 mà Lầu Năm Góc trả năm 2017, xuống còn 89 triệu USD/1 chiếc cho lô hàng giao trong năm 2018 và 80 triệu USD/1 chiếc năm 2020.

Chỉ qua hai vụ đàm phán đình đám, thông điệp của Trump đối với giới doanh nghiệp rất đơn giản: Ngay cả những hàng hóa mang tính biểu tượng của Tổng thống, đến bảo vệ an ninh quốc gia chính quyền cũng sẵn sàng xem xét, thậm chí hủy đơn hàng nếu cần. Dó đó, các hãng lớn nếu muốn làm ăn với chính phủ, muốn có tương lai phải cải tiến, nâng cao chất lượng và giảm giá thành.

– Ngoài việc đơn giản hóa sắc luật thuế liên bang, ngày 30/1/2017 Trump còn ký một sắc lệnh của Tổng thống quy định, từ nay trở đi bất cứ một quy định, hay điều lệ mới nào của liên bang ra đời thì cơ quan đệ trình buộc phải vô hiệu hóa quy định hay điều lệ cũ. Mục đích của việc này là tránh biến các cơ quan công quyền thành bộ máy quan liêu, ra các “quy định trên trời”, tạo thuận lợi tối đa cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

Trên đây chỉ là một ít ví dụ, nhưng nó cho thấy cuộc chiến chống lại thiết chế đã định hình và gắn với nó là lợi ích nhóm với đủ loại biến tướng là hết sức khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, đây lại là cuộc chiến nội bộ nơi các đồng minh lẫn đối thủ đều minh tường các điểm mạnh, yếu của nhau và sẵn sàng ra đòn dứt điểm đối phương bất cứ khi nào có thời cơ.

Cuộc chiến thứ tư: Duy trì địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ
Theo tư duy và cách làm thông thường, một quốc gia duy trì ngôi vị hàng đầu của mình bằng cách thực hiện hai bước song song: Củng cố sức mạnh quốc gia tổng hợp của mình, đồng thời chặn bước tiến và tạo khoảng cách xa nhất có thể với địch thủ bám ngay sát. Và nước Mỹ không phải là ngoại lệ.

Lịch sử của Mỹ từ khi lập quốc ngày 4/7/1776 đến nay là lịch sử bành trướng, và vươn lên không ngừng, từ một liên bang lỏng lẻo gồm 13 bang ban đầu vốn dĩ là thuộc địa của Anh Quốc thành một nhà nước liên bang hợp chúng quốc hùng mạnh nhất thế giới với 50 bang như hiện nay. Lịch sử Mỹ cũng là lịch sử đấu tranh và triệt hạ không khoan nhượng bất kỳ địch thủ thủ nào tìm cách thách thức vị trí số một của Mỹ.

Chỉ sau khoảng 100 năm lập quốc, đến đầu những năm 1870, sau khi kết thúc nội chiến Bắc Nam (1861-1865) Mỹ đã thay Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, rồi trở thành siêu cường số một thế giới khoảng 70 năm sau đó sau khi kết thúc Thế chiến II năm 1945. Trong khi hầu hết các cường quốc khác bị suy yếu và tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh thì Mỹ ra khỏi Thế chiến II với vị thế đặc biệt của người chiến thắng, với sức mạnh vượt trội so với bất kỳ cường quốc nào khác.

Trong khoảng thời gian 5 năm hậu chiến, GDP của Mỹ luôn chiếm tới 1/2 GDP của cả thế giới, Mỹ cũng là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí nguyên tử, còn đồng USD thì “hất cẳng” đồng bảng Anh, trở thành đồng tiền thanh toán, lưu trữ chủ chốt của thế giới. Với vị thế áp đảo như vậy, Mỹ dễ dàng “vẽ” trật tự của Phương Tây và phần nào đó là trật tự thế giới hòng thao túng theo ý đồ của mình: Về quân sự, Mỹ lập ra khối quân sự Bắc Đại Tây Dương; về thương mại Mỹ sử dụng ảnh hưởng để lập Hiệp định Thuế quan và Thương mại (GATT), tổ chức tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau này; còn về tài chính, Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lập ra các thiết chế tài chính có ảnh hưởng đến tận bây giờ như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)… Mục đích tối thượng là duy trì địa vị cường quốc số một thế giới và thiết lập một trật tự toàn cầu bao trùm hầu khắp các lĩnh vực theo luật chơi do Mỹ đặt ra.

Trong 45 năm sau Thế chiến II, hệ thống quốc tế do Mỹ “cầm trịch” đã vận hành tương đối hiệu quả, giúp Mỹ “đánh bại” – dù hết sức khó khăn – được địch thủ cạnh tranh về quân sự, chiến lược và ý thức hệ là Liên Xô, khiến không chỉ Liên Xô mà cả hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu cùng lúc bị tan rã.

Về mặt kinh tế, với Thỏa ước Plaza (Plaza Accord) ký ngày 22/9/1985 tại New York để giải quyết “chiến tranh tiền tệ” giữa năm cường quốc Phương Tây, mà thực chất là nhằm vào Nhật Bản, buộc nước này phải tăng giá đồng Yên so với đồng USD và các ngoại tệ chủ chốt khác. Thỏa ước Plaza là đòn độc, đòn “tước vũ khí” quyết định khiến Nhật không thể dùng chiến thuật dumping (giảm giá), cạnh tranh không lành mạnh nhờ hỗ trợ của chính phủ để đánh bại các công ty Mỹ. Và cũng từ đây bong bóng bất động sản Nhật bị bể, kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ suốt từ đầu những năm 1990 đến nay và từ đó trở đi Nhật không bao giờ trở thành mối đe dọa về kinh tế với Mỹ nữa.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã thì nước Mỹ bước vào tình trạng “phởn chí” khi không còn đối thủ ngang tầm. Học giá Mỹ nổi tiếng Francis Fukayama thậm chí còn xuất bản cuốn sách “Sự cáo chung của Lịch sử” (The End of History and the Last Man), với tuyên bố ngạo mạn về “Chiến thắng của nền dân chủ tự do” đứng đầu là Mỹ trước các “chính thể chuyên quyền”. Tiếp đó là các sai lầm chiến lược nối tiếp sai lầm khi Mỹ sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn tiến hành cùng lúc cuộc chiến chống khủng bố hao người tốn của và không lối thoát sau vụ khủng bố 11/09/2001 – với phí tổn khoảng 4000 tỷ USD và hàng chục ngàn sinh mạng – trên hai mặt trận là Iraq và Afghanistan.

Trong khi đó, trên một mặt trận khác, Trung Quốc thực hiện một chiến lược âm thầm, nhưng hết sức quyết liệt là thực thi cải cách mở cửa về kinh tế, xây dựng nội lực bên trong, cố gắng tránh, tìm cách không gây bất hòa hoặc đối đầu với Mỹ khi không cần thiết. Nhờ chiến lược “Thao quang dưỡng hối”, hiện đại hoá đúng đắn, cách làm bài bản, có sự chỉ huy, thống nhất và tập trung cao độ, lại tận dụng được lợi thế của người đi sau trong việc áp dụng cách mạng khoa học công nghệ nên Trung Quốc đã lớn mạnh vượt bậc chỉ trong thời gian rất ngắn. Trong giai đoạn kéo dài 25 năm từ 1990-2014, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10% năm, vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 2010. Trong giai đoạn 2004-2016 GDP của Trung Quốc tăng trưởng tới 4 lần từ 2.500 lên 10.000 tỷ USD và đuổi sát Mỹ. Đến trước giai đoạn Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền 01/01/2017, nếu như tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì như thời gian trước đó thì theo dự báo của WB và IMF, chỉ đến năm 2025 hoặc cùng lắm là 2030 Trung Quốc sẽ vươn lên thay thế Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Không chỉ phát triển về lượng, mà Trung Quốc còn phát triển về chất, hướng đến các tiêu chí quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia thông minh, xây dựng lối sống, cách hành xử văn minh của người dân theo những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Nhờ sự lớn mạnh về kinh tế, sự phát triển về khoa học kỹ thuật vượt bậc, Trung Quốc cũng mạnh dạn, tự tin và quyết đoán trong chi tiêu quốc phòng, trong hành xử với láng giềng và trong quan hệ quốc tế cho phù hợp với vị thế mới của mình. Đáng chú ý là Trung Quốc thực hiện cùng lúc hai chiến lược lớn, đầy tham vọng là trở thành cường quốc số một thế giới về công nghệ vào năm 2025 và chiến lược Vành đai, Con đường (BRI) nhằm tạo ra một hệ thống riêng, trong đó Trung Quốc có vai trò chi phối. Chiến lược Vành đai, Con đường nếu được thực thi đầy đủ sẽ giúp thúc đẩy 6 kết nối chặt chẽ về đường không, đường biển, đường bộ, đường sắt, kết nối về mạng lưới viễn thông, kết nối về dịch vụ tài chính giữa Trung Quốc và khoảng 80 quốc gia trên thế giới, kéo dài từ Bắc Á qua Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, một phần Tây và Đông Âu, Nga và Trung Á, những nước chiếm khoảng 1/2 dân số, 1/3 tổng GDP và 1/4 tổng thương mại thế giới. Cùng với BRI, Trung Quốc liên tiếp cho ra đời Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) củng cố và mở rộng vai trò của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi…

Dưới góc nhìn của Trump và Chính quyền mới ở Mỹ, sự vươn lên của Trung Quốc và cách thức Trung Quốc thiết lập một hệ thống riêng không khác gì cách thức Mỹ từng làm trước đây khi Thế chiến II kết thúc để xác lập và củng cố vị trí siêu cường lâu dài sau đó. Và đây là điều không thể chấp nhận được với Trump cũng như bất kỳ chính quyền nào của Mỹ trước đó.

Tuy nhiên, trong khi các vị Tổng thống tiền nhiệm hoặc né tránh, hoặc không có một chiến lược rõ ràng rồi sau đó đối phó với Trung Quốc một cách nửa vời thì chiến lược của Trump lại hết sức rõ ràng với hai bước song song: (i) Đối đầu trực diện, tìm cách làm suy yếu đối phương về mọi mặt; và (ii) “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) thông qua việc kiên trì thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết” (America First).

Thực chất của chiến lược này là tạo khoảng cách “an toàn” giữa Mỹ và đối thủ tiềm tàng đang bám ngay sát nách, khiến đối thủ không đủ sức mạnh và khả năng để tranh chấp hay thách thức vị trí số một của Mỹ một cách hiệu quả.

Làm suy yếu đối thủ tiềm tàng về mọi mặt

Đối với Chính quyền Trump, “mối đe dọa” lớn nhất, trực tiếp nhất và “nguy hiểm” nhất hiện nay đối với vị trí siêu cường và hệ thống quốc tế do Mỹ đóng vai trò chủ đạo không còn là chủ nghĩa khủng bố hay mối đe doạ từ Nga mà là từ Trung Quốc và điều này được nêu rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố đầu năm 2018. Thách thức này lớn hơn hẳn so với tất cả các thách thức mà Mỹ từng phải đương đầu từ sau Thế chiến II đến nay.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa của Liên Xô chủ yếu từ góc độ an ninh và quân sự chứ chưa bao giờ là thách thức kinh tế. Còn Nhật, thì chỉ tạo ra thách thức kinh tế, thương mại đối với Mỹ trong một thời gian ngắn chứ còn xét về các khía cạnh khác như dân số, chiến lược hay ý thức hệ thì Nhật lại không hề có tham vọng thách thức hay soán ngôi Mỹ.

Trái lại, trong các cường quốc lớn trên thế giới hiện nay, chỉ duy nhất Trung Quốc vừa có sức mạnh kinh tế, lẫn sức mạnh quân sự với kho vũ khí hạt nhân hùng hậu, có dân số đông nhất thế giới, có lãnh thổ đủ rộng, có ý thức hệ khác biệt, hơn nữa Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và có lẽ hiện là cường quốc duy nhất, ngoài Mỹ, có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới.

Trong 500 năm qua, lịch sử thể giới đã chứng kiến 16 cuộc đối đầu giữa một cường quốc đã được thiết lập và một cường quốc đang trỗi dậy và tìm cách soán ngôi, trong đó 12 cuộc đối đầu kết thúc bằng chiến tranh. Thực ra, ngay từ cách đây ba năm, tác giả của bài viết này cũng đã từng đưa ra cảnh báo về “bẫy Thucydides” và cuộc xung đột “định mệnh”, “không lối thoát” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đặt cạnh tranh Trung – Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.

Vậy tại sao Trump lại chọn cuộc chiến thương mại (trade war) và tại sao lại vào lúc này? Trước hết đây là thời điểm kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất trong hai thập niên qua, tính từ các góc độ: niềm tin của người tiêu dùng, giới doanh nghiệp; sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cao nhất mọi thời đại; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục (3,7%)… Điều này có được một mặt là do cố gắng của chính quyền Trump, nhưng cũng có yếu tố may mắn khác là kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng. Trong khi đó , kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, phát triển chậm lại sau giai đoạn phát triển quá nóng theo chiều rộng. Điều này có nghĩa Trump đang ở thế thượng phong để tung các “đòn độc” mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ.

Còn chọn lĩnh vực thương mại thì theo tính toán của chính quyền Trump, đây là lĩnh vực Trung Quốc dễ tổn thương nhất do cán cân thương mại hai bên quá chênh lệch: Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỷ USD, còn nhập khẩu khoảng 506 tỷ USD, tức thâm hụt thương mại tới 376 tỷ USD. Trump cho rằng: (i) Là nước chịu thâm hụt thương mại lớn, Mỹ trong vai người mua mới ở vị trí thượng phong; (ii) Những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế bằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác; (iii) Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Trung Quốc, và thương mại đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, đích cuối cùng của Trump là đánh vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá của Trung Quốc, chặn việc tiếp cận công nghệ cao để đi tắt đón đầu, và buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu kinh tế theo ý đồ của Mỹ. Nếu chấp nhận, nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ bị kéo lùi, rơi vào tình trạnh, suy thoái, trì trệ như của Nhật Bản 30 năm trước. Đây là lý do mà Trung Quốc không thể chấp nhận và các cuộc đàm phán Mỹ-Trung về giải tỏa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho đến nay không đạt kết quả.

Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo lùi lại do hệ quả của chiến tranh thương mại thì có thể dẫn đến những hệ quả ghê gớm: thất nghiệp tăng, nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao, thị trường chứng khoán giảm tốc, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại hối sụt giảm, nguồn tiền đố vào chi tiêu quốc phòng cũng như đầu tư cho chiến lược “vành đai, con đường” sẽ không còn được dồi dào như trước.

Điều đáng chú ý là ngược lại với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế, Trump càng siết chặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ thì kinh tế Mỹ lại càng nhận được tín hiệu tốt chứ không phải theo chiều ngược lại.

Một tín hiệu nữa không tốt cho Trung Quốc là Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross vừa “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” (poison pill) để “trị” Trung Quốc, đó là “cấy” vào Hiệp định thương mại USMCA vừa ký giữa Mỹ, Mexico và Canada (thay cho Hiệp định NAFTA) một điều khoản cho phép hai nước còn lại có thể huỷ hiệp định 3 bên và ký hiệp định thương mại tự do song phương nếu một trong ba thành viên USMCA ký hiệp định thương mại tự do với nước có nền kinh tế “phi thị trường”, hàm ý chỉ Trung Quốc. Bộ trưởng Ross còn tiết lộ, Mỹ sẽ đưa điều khoản này vào các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán với Nhật Bản và EU, nhằm mục đích gây sức ép tối đa lên Trung Quốc.

“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Về cách tiếp cận, chính sách kinh tế của Trump sau khi nhậm chức không khác mấy so với người tiền nhiệm Ronald Reagan cách gần 40 năm trước với chính sách kinh tế Reaganomics, đó là: Ở trong nước, Reagan cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhằm giảm thâm hụt ngân sách, trong khi giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 48% xuống còn 34% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất. Còn người dân, thuộc tất cả các giới được miễn giảm mạnh thuế cá nhân, trong đó giới giàu có, trung lưu, được hưởng lợi nhất, nhằm khuyến khích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra Reagan còn tìm cách tăng lãi suất đồng USD trong nước rất cao, có lúc lên tới 21,5% nhằm thu hút tiền từ trong nước Mỹ và từ khắp thế giới với hai mục tiêu: (i) Tái cấu trúc và hiện đại nước Mỹ; (ii) Đổ tiền vào cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô.

Trong thời kỳ Reagan, ngoài chuyện củng cố sức mạnh kinh tế, Mỹ còn “đánh gục” Liên Xô bằng các đòn “hội đồng” như cùng OPEC phối hợp hạ giá dầu để triệt hạ nền kinh tế Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, đồng thời buộc Liên Xô phải tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và cả khối NATO, cũng như gài bẫy để Liên Xô dính vào “cú lừa thế kỷ” về sáng kiến “Chiến tranh các vì sao” của Mỹ. Điều này đã buộc Gorbachev phải đi vào hòa dịu, giải trừ quân bị với Mỹ, rồi tiến tới “tự giải thể” khối quân sự Warsaw Pact, khối kinh tế Comecon giữa Liên Xô và các nước Đông Âu, cũng như Liên Bang Xô viết trong giai đoạn cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.

Về cơ bản, Trump cũng có cách tiếp cận về kinh tế và quân sự tương tự Reagan, nhưng có một số điều chỉnh do bối cảnh quốc tế hiện nay, cũng như tương quan, so sánh sức mạnh tổng thế giữa Mỹ với các đồng minh, địch thủ cũng có những thay đổi căn bản.

Về kinh tế, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (America First) và cách làm quyết liệt đi đôi giữa nói và làm, Trump đang tìm cách lấy lại sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ thông qua một loạt biện pháp chính như: (i) Giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%; (ii) Giảm đồng loạt thuế thu nhập cá nhân, với tổng số thuế cắt giảm lên tới 1.500 tỷ USD trong thời gian tám năm từ 2018-2025: (iii) gỡ bỏ đáng kể các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp; (iv) rút khỏi hoặc bỏ qua các hiệp định thương mại đa phương, đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại song phương, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng”, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ; (v) Gây sức ép bằng hình thức thuế quan để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ.

Với hàng loạt biện pháp mang tính quyết liệt, và phần nào đó khá cực đoan, Trump đã ghi được bảng thành tích kinh tế khá tốt dẫu mới cầm quyền chưa được hai năm. Cụ thể là:

– Tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu tháng 10/2018 giảm xuống còn 3,7%, mức thấp nhất trong 50 năm qua.

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017, năm đầu tiên Trump nắm quyền, là 2,3%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ 1,5% năm 2016 trước đó. Con Quý II, tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%, mức cao nhất kể từ năm 2014.

– Lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất tính từ thời điểm năm 2000.

– Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng 26.500 điểm, tức cao khoảng 33% so với đỉnh cao 20.000 điểm dưới thời Obama.

Thành tích kinh tế này trái ngược với đà đi xuống của kinh tế Trung Quốc, cũng như thực trạng tương đối ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế lớn khác.

Trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Trump không chỉ mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng với ngân sách quốc phòng năm 2018 và 2019 lần lượt là 640 tỷ và 716 tỷ USD, tức gấp khoảng 5 lần so với ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc. Không chỉ một mình tăng ngân sách quốc phòng, Trump còn bằng mọi cách gây sức ép buộc các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật, và các nước đồng minh trong NATO tăng ngân sách quốc phòng để tạo sức mạnh cộng hưởng và đã thành công ở mức độ nhất định khi một số nước châu Âu thành viên NATO đẩy nhanh mức chi ngân sách quốc phòng từ mức trên dưới 1% hiện nay lên mức 2% tổng GDP trước năm 2024. Cách lập luận của Trump rất đơn giản, nhưng hiệu quả: Nếu muốn dựa vào ô an ninh của Mỹ thì trước hết các đồng minh phải thực sự quan tâm đến củng cố quốc phòng của mình thông qua việc tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Nếu như đến an ninh của mình mà họ cũng không quan tâm thì cũng chẳng có lý do để Mỹ phải bận tâm.

Đáng chú ý là cách tiếp cận và tìm cách xích lại gần Nga của chính quyền Trump. Trong nội bộ Mỹ, không khí và quan hệ thù địch với Nga hiện khá cao do những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016 để Trump lên nắm quyền vẫn chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, Trump vẫn nhắm đến Nga với nhiều mục tiêu khác nhau:

Thứ nhất, Trump cho rằng Nga tuy bị suy yếu nhiều, nhưng xét từ góc độ quân sự, Nga vẫn là cường quốc quân sự duy nhất có thể đưa nước Mỹ “trở về thời kỳ đồ đá” nếu xảy ra xung đột quân sự. Do đó, để quan hệ Mỹ-Nga ở tình trạng đối đầu lâu dài sẽ không có lợi.

Thứ hai, việc xích lại gần Nga sẽ làm cho các nước châu Âu thành viên NATO lo ngại và do vậy không cần gây thêm sức ép cũng buộc họ tự tăng ngân sách quốc phòng.

Thứ ba, việc đi với Nga còn là cách để Mỹ tạo sức ép tối đa lên Trung Quốc – quốc gia được xem như địch thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ vào lúc này. Nhìn cách Trump đi với Nga để tạo sức ép lên Trung Quốc lúc này thấy không khác mấy so với cách mà Mỹ dưới thời Nixon và Kisinger tìm cách khai thông quan hệ với Trung Quốc trong những năm 1970 để cô lập và tạo sức ép tối đa lên Liên Xô, để rồi nước này đi vào con đường thỏa hiệp với Mỹ và tự tan rã vào năm 1991.

Hiện còn quá sớm để đánh giá hết những tác động từ các bước đi của Trump trong việc củng cố sức mạnh Mỹ. Ngay cả thời Reagan, dù ra khỏi Chiến tranh Lạnh với tư cách người chiến thắng, nhưng nước Mỹ cũng “thương tích đầy mình”, chẳng hạn như nợ công cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm… Còn Trung Quốc là cường quốc thứ hai, có nhiều sức mạnh vượt trội chứ không phải là cường quốc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự và lệ thuộc và dầu khí như Liên Xô trước kia. Tuy nhiên, các tác động của cuộc chiến thương mại này với cả hai, đặc biệt là với Trung Quốc, với nền kinh tế thế giới và các cấu trúc khu vực và toàn cầu thì ngày càng rõ nét.

Cuộc chiến thứ năm: Xây dựng một trật tự quốc tế mới
Hoàn toàn không quá lời khi nói rằng trật tự thế giới hình thành từ thời hậu Thế chiến II đến nay với các thiết chế trụ cột như Liên Hợp Quốc, NATO, WTO, IMF, WB, cùng nhiều thoả thuận quốc tế khác… là trật tự trong đó Mỹ đóng vai trò “Kiến trúc sư trưởng”, là “người khởi xướng”, và cũng là người được hưởng lợi chính từ trật tự này. Chắc chắn Mỹ sẽ không có bất cứ vấn đề gì với hệ thống và các thiết chế này chừng nào mà vai trò và địa vị số 1 thế giới của Mỹ vẫn được duy trì và đảm bảo.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000 khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đe dọa vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ và đồng thời sức mạnh của Mỹ suy giảm tương đối so với Trung Quốc và các cường quốc khác thì Trump và ê-kíp của mình, ngay từ khi bắt đầu tham gia tranh cử Tổng thống, lại đổ lỗi cho chính hệ thống quốc tế mà Mỹ đã góp tay xây dựng nên là “tội đồ” của những yếu kém của nước Mỹ. Họ cho rằng đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề, xem xét lại một cách căn bản toàn bộ hệ thống quốc tế và các thiết chế cũ xem các thiết chế này có còn phù hợp với lợi ích của Mỹ nữa hay không, tức còn có giá trị trong việc giúp Mỹ duy trì ngôi vị bá chủ thế giới của mình. Theo quan điểm của chính quyền Trump, các thiết chế do chính Mỹ lập ra trước kia chỉ phù hợp với bối cảnh cũ, nhưng nay các thiết chế này đã đóng xong vai trò lịch sử, không còn phù hợp, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của Mỹ thì Mỹ cần đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên (America First) và mạnh tay “vứt bỏ” các cam kết không cần thiết.

Ngay từ năm 1987 học giả Mỹ Paul Kennedy đã viết cuốn sách “Sự thăng trầm của các cường quốc” (The Rise and Fall of the Great Powers) trong đó cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các cường quốc suy vong là do đế quốc trải rộng và các cường quốc này thực thi các cam kết quốc tế vượt quá khả năng của mình. Tác giả cũng đưa ra lời cảnh báo để Mỹ không đi vào con đường tương tự. Cảnh báo này cũng trùng hợp với tư duy của Trump khi cho rằng các nước khác được hưởng lợi bởi hệ thống quốc tế hiện nay phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn và không có lý gì để Mỹ phải sử dụng tiền đóng thuế của người dân bảo vệ cho những quốc gia có mức thu nhập đầu người thậm chí còn cao hơn của nước Mỹ.

Như vậy, có thể thấy Trump thực hiện một chính sách tương đối nhất quán cả về đối nội, lẫn đối ngoại: Đó là tìm cách làm nước Mỹ mạnh lên từ bên trong và đặt lợi ích quốc gia lên trên các cam kết quốc tế. Đáng chú ý là trong quá trình xem xét lại các cam kết quốc tế của Mỹ, Trump nhận thấy nước Mỹ có quá nhiều cam kết quốc tế “vô bổ”, gây tốn kém không ít cho ngân sách liên bang.

Việc tấn công tổng lực vào một loạt các thiết chế quốc tế lớn như Liên hợp quốc, UNESCO; vào các hiệp ước, các thiết chế lâu đời với đồng minh, láng giềng như NATO, nhóm G-7, NAFTA; vào các thỏa thuận với đối tác, bạn bè như TPP (chuẩn bị bước vào giai đoạn ký kết)… ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng đã biến Trump thành nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia nhiệt thành, “kẻ” chủ trương ủng hộ nghĩa biệt lập, và là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ “đáng ghét” nhất trên thế giới. Tháng 1/2018, Viện thăm dò dư luận Gallup tiến hành khảo sát ý kiến của người dân 134 nước trên thế giới và kết quả là tỷ lệ trung bình ủng hộ lãnh đạo Mỹ giảm mạnh từ 48% năm 2016 xuống còn 30% vào 1/2018.

Tuy nhiên, Trump dường như có một mục tiêu và lộ trình được lập trình từ trước nên tỏ ra không mấy bận tâm vào việc lãnh đạo hay người dân các nước nghĩ về mình hay nước Mỹ, miễn là việc mình làm phục vụ lợi ích của nước Mỹ, đặt nước Mỹ lên trên hết (America First). Dù chưa định hình rõ nét, nhưng có thể thấy sơ bộ một số bước đi chính của Trump trong việc “xoá bàn cờ làm lại”, đặt ra luật chơi mới với 5 bước đi sau:

Một là, rút nước Mỹ ra khỏi các thiết chế/cam kết quốc tế không phù hợp với lợi ích của nước Mỹ

Rõ nhất trong hai năm đầu tiên cầm quyền là Trump rút khỏi các thoả thuận “đình đám” như Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP đã được hoàn tất vào phút chót chỉ chờ được phê chuẩn; cắt đóng góp của Mỹ và rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp Quốc UNESCO; Hiệp định chống biến đổi khí hậu; rút khỏi Thoả thuận hạt nhân P5+1 ký năm 2015 với Iran; Hội đồng nhân quyền… Chính từ các hành động này nên Trump bị xem là người theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, làm cho Mỹ bị cô lập trên quốc tế, trái với cách tiếp cận đa phương, can dự tích cực của người tiền nhiệm.

Trong quyết định rút khỏi TPP, chính quyền Trump cho rằng ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và Mỹ sẽ bị mất nhiều việc làm phổ thông do doanh nghiệp sẽ tìm cách chuyển sản xuất sang những nước thành viên có lương thấp trong TPP. Còn với Hiệp định chống biến đổi khí hậu, Trump ngay từ đầu đã cho rằng các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu là lòe bịp (a hoax) và không đáng tin cậy, và việc thực hiện các cam của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, vừa làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Với Iran, Mỹ cho rằng thỏa thuận P5+1 chỉ giúp làm chậm lại chứ không thể giúp cản bước Iran nghiên cứu, sản xuất vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, việc áp đặt cấm vận xuất khẩu dầu của Iran còn nhằm vào Trung Quốc nước đầu tư tới 106 tỷ USD vào ngành dầu khí Iran, cũng như giúp ngành xuất khẩu dầu và khí hoá lỏng của Mỹ “cất cánh” sau khi Mỹ có đột biến về tăng sản lượng dầu đá phiến và hoàn tất việc lắp đặt đường ống dẫn dầu Keystone nối từ Alberta (Canada) tới tận Cảng Arthur (Texas) miền Nam nước Mỹ.

Hai là, gây sức ép, đàm phán lại các hiệp định/thoả thuận/định chế cũ

Đáng chú ý nhất là thành công của Trump trong việc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA với tên gọi mới là Hiệp định USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada ký ngày 30/9/2018 vừa qua. Các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định mới USMCA này cho thấy Trump quả là một cao thủ về đàm phán quốc tế. Trước hết Trump không tìm cách đàm phán ba bên đồng thời, mà tiến hành hai cuộc đàm phán riêng rẽ với Mexico và Canada, trong đó nhằm vào Mexico là mắt xích yếu nhất. Đồng thời trong suốt quá trình đàm phán Mỹ không ngừng gây sức ép, công kích công khai lãnh đạo Canada. Việc đạt được thỏa thuận trước với Mexico đã gây sức ép rất lớn và đặt Canada vào thế phải kết thúc đàm phán với điều kiện của Trump nếu không sẽ bị gạt ra rìa.

Với lợi thế có được trong tay USMCA, các bước tiếp theo của Mỹ có thể nhìn thấy trước là Mỹ sẽ tiến hành hai cuộc đám phán song phương đồng thời với Nhật và EU, trong đó Mỹ sẽ tìm cách cài tiếp “viên thuốc độc”, tức tìm cách ngăn không để cho hai nền kinh tế lớn này ký thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Sau khi có được thoả thuận thương mại với Nhật Bản và EU, bước tiếp theo là Mỹ, lúc này đã ở thế thượng phong, gây tiếp sức ép lên Trung Quốc, buộc nước này phải mở cửa và cải cách theo các điều kiện do Mỹ đặt ra. Đối với WTO, nếu không đáp ứng các điều kiện do Mỹ đặt ra, thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ sẽ vận động Nhật, EU và các nước khác lập ra chế định mới thay thế cho tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.

Trong các vấn đề quân sự hay quan hệ với đồng minh trong NATO, G-7 Trump cũng tỏ ra “thờ ơ” bề ngoài, nói lấp lửng hay nước đôi vê các cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ. Mục đích của Trump là gây sức ép buộc đồng minh tăng ngân sách quốc phòng, chia sẻ nhiều hơn gánh nặng và trách nhiệm an ninh quốc tế với Mỹ, song song với việc ép các đồng” tự nguyện” mở cửa thị trường, thực thi các biện pháp nhằm giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại.

Ba là, cắt giảm cam kết tài chính, gây sức ép cải tổ các định chế quan trọng

Một trong những tổ chức quốc tế lớn nhưng nhận nhiều chỉ trích nhất của chính quyền Trump về sự quan liêu, quản lý yếu kém… là Liên Hợp Quốc (LHQ). Mỹ sở dĩ có tiếng nói quan trọng ở LHQ vì Mỹ là quốc gia đóng góp ngân sách lớn nhất, lên tới 22% tổng ngân sách hàng năm cho tổ chức này (5,6 tỷ USD năm 2017) và là thành viên của Hội đồng Bảo an.

Sự bất bình của Mỹ cũng có lý do riêng. Tuy đóng góp nhiều cho ngân sách của LHQ song ảnh hưởng của Mỹ tại đây lại không như Mỹ mong muốn, đặc biệt trong các cuộc bỏ phiếu liên quan đến tranh chấp Israel-Palestine. Ngoài ra, Mỹ thấy nhiều nước không có sự đóng góp tương xứng vào ngân sách LHQ so với tỷ lệ GDP của họ trong tổng GDP toàn cầu. Song song với sức ép về chính sách kêu gọi LHQ cải tổ trong 3 lĩnh vực là Quản lý, An ninh và Phát triển Mỹ cũng đồng thời tuyên bố cắt giảm đóng góp lên tới 5% tổng ngân sách của LHQ (285 triệu USD), chủ yếu dành cho lĩnh vực gìn giữ hòa bình bắt đầu từ năm 2018.

Bốn là, tấn công trực diện các thiết chế mới ra đời của đối phương

Đối với Mỹ hiện nay, Chiến lược Vành đai, Con đường (BRI) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc là những thiết chế tạo ra các thách thức đối với Mỹ về nhiều mặt. Với BRI, Mỹ lo ngại sự hình thành của một thiết chế mới, một vành đai phát triển quốc tế mới không theo các chuẩn mực do Mỹ đặt ra, giảm lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây, trong khi lại lệ thuộc vào Trung Quốc về đầu tư, công nghệ…

Với AIIB, Mỹ lo ngại nhất về (i) sự thiếu khách quan trong các quyết định cho vay, cho rằng AIIB sẽ thiên vị, chỉ cung cấp tín dụng cho những nước có quan hệ tốt với Bắc Kinh; (ii) Khả năng quản trị rủi ro không tốt, vượt quá khả năng trả nợ của những nước đi vay có thể khiến họ hoặc rơi vào tình trạng phá sản hoặc bị lệ thuộc về tài chính vào Trung Quốc; (iii) Có thể giúp nước đi vay đầu tư tăng trưởng tốt trong ngắn hạn, nhưng lại thiếu cơ sở cho phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn.

Năm là, lập ra các thiết chế, các định chế mới

Các đề nghị lập thiết chế mới hiện nay chưa nhiều, mới thấy rõ nhất là sáng kiến về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay thế cho Chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á. Có thể do chính quyền Trump còn đang bận tâm vào các vấn đề nội bộ, hoặc Mỹ cho rằng có thể tận dụng một số cơ chế cũ nhưng có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới cũng như lợi ích của Mỹ.

Dù mới chỉ ở dạng ý tưởng và còn thiếu nhiều chi tiết, nhưng “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ hiện vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt từ Nga và Trung Quốc, những nước cho rằng trong khu vực hiện đang có nhiều cơ chế hữu dụng như EAS, ARF, ADMM+… để xử lý các vấn đề khu vực và không nhất thiết phải lập ra các cơ chế mới. Điều này cho thấy cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên phạm vi khu vực và toàn cầu đang ngày một rõ nét và có thể đưa quan hệ quốc tế đến chỗ chia rẽ, phân cực như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước kia.

Nhìn tổng thể, cuộc chiến của Trump để xây dựng một trật tự quốc tế mới lần này chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với công việc Mỹ đã làm cách đây trên 70 năm. Khi đó Mỹ ở thế thượng phong với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với cả đồng minh lẫn đối thủ. Còn hiện tại thì thế và lực của Mỹ, tuy mạnh nhưng không còn ở thế áp đảo, khuynh loát các quốc gia khác. Ngoài ra, các đối thủ của Mỹ cũng sẽ không ngồi yên khoanh tay chịu trận.

Và cũng không khó để nhận ra nhiều nước bắt đầu toan tính, tìm bước đi, lối thoát cho mình nhằm tránh rơi vào thế kẹt trong bối cảnh cuộc đối đầu, cạnh tranh địa-chiến lược Mỹ-Trung và “bóng ma” cuộc Chiến tranh Lạnh mới 2.0 với các vòng xoáy bất ổn, chia rẽ và phân cực đang ngày một hiện rõ./.

TS Hoàng Anh Tuấn là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2018/10/14/donald-trump-5-cuoc-chien-dinh-vi-my-the-gioi/
0

Miền Tây hoang dã nước Mỹ - Thế giới động vật (Thuyết minh)

Tây Hoa Kỳ (tiếng Anh: Western United States, thường được gọi là American West hay đơn giản là "the West"), theo truyền thống là vùng bao gồm các tiểu bang cận tây nhất của Hoa Kỳ. Vì Hoa Kỳ bành trướng về phía tây sau khi thành lập nên ý nghĩa về Miền Tây hay Miền Viễn Tây cứ thay đổi theo thời gian. Trước năm 1800, sống lưng của Dãy núi Appalachian được xem là biên cương phía tây của Hoa Kỳ. Kể từ đó, biên cương di chuyển xa hơn về hướng tây và rồi sau đó Sông Mississippi được dùng làm mốc biên cương cận đông nhất của miền Tây.


Trong thế kỷ 21, các tiểu bang nằm trong Rặng Thạch Sơn và vùng cao nguyên thuộc Đại Bình nguyên cho đến Tây Duyên hải thường được xem là tạo nên American West. Denver, Colorado đôi khi được xem là phần đất trải rộng thuộc phía đông của miền Tây như trong phim Dumb and Dumber bắt đầu với miền Trung Tây ngay phía đông của Aurora, Colorado nơi mà Đại Bình nguyên Hoa Kỳ bắt đầu.

Ngoài việc được định hình theo vị trí địa lý, "miền Tây" cũng có ý nghĩa theo nhân chủng học. Trong lúc miền này có sự đa dạng riêng bên trong của chính nó nhưng tổng quan vùng này có cùng một lịch sử, văn hoá (âm nhạc, ẩm thực), quan điểm về thế giới, lối suy nghĩ và giọng Anh gần như tương đồng. Tuy nhiên, một vài tiểu vùng và tiểu bang như Utah và miền nam California có một số điều khác biệt với phần còn lại của miền Tây.

"Miền Tây" đã và đang đóng một vai trò quan trọng trọng trong lịch sử Hoa Kỳ; Cựu miền Tây hay Old West được lồng vào trong các chuyện đời xưa của người Mỹ.

Nguồn: Wikipedia, VTCHD, YouTube, Dailymotion
0